Giá bán lẻ thịt lợn tại Tp. Hồ Chí Minh ổn định

15:14' - 13/06/2019
BNEWS Ghi nhận tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh ngày 13/6, giá cả mặt hàng thịt lợn khá ổn định ở cả mạng lưới chợ bán lẻ truyền thống và kênh bán lẻ hiện đại.

Đồng thời, các tiểu thương cũng cho biết, trong những ngày qua giá cả mặt hàng này không có hiện tượng tăng hay giảm đột biến.

Giá thịt lợn tại Thành phố Hồ Chí Minh ổn định. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Cụ thể, ở chợ Bến Thành, Nguyễn Văn Trỗi, Hòa Hưng, Quách Thị Trang, Thị Nghè… mặt hàng thịt lợn có nguồn cung dồi dào và giá cả niêm yếu rõ ràng.

Theo đó, sản phẩm thịt lợn đùi có giá bán lẻ ở mức phổ biến là 90.000 đồng/kg, thịt lợn ba rọi 110.000 đồng/kg, sườn non lợn 140.000 đồng/kg, thịt lợn nạt dăm 100.000 đồng/kg, chân giò lợn 85.000 đồng/kg…
Chị Thanh Hương, tiểu thương chợ Tân Định, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trước thông tin dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng ra nhiều tỉnh, thành, nhất là vừa qua trên địa bàn thành phố phát triện ổ dịch, người tiêu dùng rất quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm này.

Khi mua sản phẩm thịt lợn, dù quầy hàng có hay không treo biển “sản phẩm có truy xuất nguồn gốc” thì người tiêu dùng vẫn hỏi thông tin về sản phẩm được cung ứng bởi đơn vị nào.
Còn ông Trung Kiên, tiểu thương chợ Xóm Chiếu, quận 4, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, người dân có xu hướng hạn chế dùng thịt lợn nên sức mua mặt hàng này đã giảm so với thời điểm bình thường. Bên cạnh đó, người dân cũng chỉ ưu tiên mua mặt hàng thịt lợn ở quầy hàng thân quen, đảm bảo uy tín và chất lượng hàng hóa.
Lý giải nguyên nhân hạn chế tiêu dùng thịt lợn, bà Tuyết Mai, cư ngụ tại quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, dẫn đến nguồn cung mặt hàng này khó kiểm soát về chất lượng về an toàn thựuc phẩm.

Vì vậy, bên cạnh chọn địa điểm mua sắm đáng tin cậy thì gia đình chuyển sang dùng những mặt hàng có nguồn cung dồi dào và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm hơn.
Tương tự, một số người tiêu dùng khác trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại nguồn cung và giá cả mặt hàng lương thực – thực phẩm ổn định, chỉ chênh lệch 5.000 – 10.000 đồng tùy chủng loại hàng hóa bán buôn ở những khu vực dân cư khác nhau.

Đơn cử, mặt hàng thủy hải sản như cá thác lác có mức giá bán lẻ là 220.000 đồng/kg, cá hường 70.000 đồng/kg; tôm đất 180.000 đồng/kg, mực ống 200.000 đồng/kg… Nên người tiêu dùng có điều kiện ưu tiên chọn lựa tiêu dùng sản phẩm an toàn thực phẩm.
Không chỉ người tiêu dùng hạn chế sử dụng mặt hàng thịt lợn, mà trong thời gian gần đây nhiều chuỗi cửa hàng kinh doanh ẩm thực, ăn uống đã chủ động tạm ngưng bán các món ăn có nguyên liệu chế biến từ thịt lợn. Trong đó, có thể kể đến chuỗi Highland Coffe, Icoffee, McDonald’s…
Riêng các chuỗi cửa hàng ẩm thực thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên vẫn phục vụ người tiêu dùng bình thường. Tuy nhiên, sức tiêu thụ những món ăn có nguyên liệu từ thịt lợn cũng giảm so với thời điểm bình thường.
Trong khi đó, thực khách đến các cửa hàng, quán ăn bình dân phục vụ điểm tâm sáng, cơm trưa... trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng không gọi những món ăn có nguyên liệu chế biến từ thịt lợn. Vì vậy, nhiều đơn vị kinh doanh đã điều chỉnh thực đơn mới để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân.
Để giữ chân khách hàng và đảm bảo doanh thu, các đơn vị kinh doanh đã bổ sung những món ăn được chế biến từ nguồn nguyên liệu thay thế như thịt bò, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ, quả… Do đó, sức tiêu thụ những sản phẩm này đã tăng khoảng 30% so với thời điểm đầu năm 2019.
Theo những đơn vị cung ứng nguồn thịt lợn lớn ra thị trường Tp. Hồ Chí Minh, hoạt động sản xuất kinh doanh ngành hàng này vẫn đảm bảo theo đúng kế hoạch đã cam kết và đáp ứng nhu cầu thị trường thành phố.

Hiện tại, lượng lợn về chợ đầu mối Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh đạt khoảng 5.200 con/đêm, cao hơn thời điểm bình thường khoảng 5.000 con/đêm. Song song đó, sức tiêu thụ dao động trong biên độ ổn định.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc Công ty quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, đơn vị đã gửi tới thương nhân, tiểu thương công văn cụ thể hóa những quy định về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, Ban quản lý chợ cũng tăng tần suất tiêu độc khử trùng chợ, giám sát hoạt động tiêu khử trùng phương tiện vận chuyển thịt lợn ra – vào chợ.
Ở góc độ nhà bán lẻ, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay, đơn vị đã và đang tung hết lực lượng quản lý chất lượng túc trực tại các điểm giết mổ tập trung lớn nhất thành phố để trực tiếp kiểm tra nhằm đảm bảo 100% lợn giết mổ chuẩn bị đưa vào những hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op.
Bên cạnh đó, từ  khi có thông tin về bệnh dịch, Saigon Co.op đã áp dụng hàng loạt biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát nguồn cung thịt lợn tốt nhất có thể như tăng tần suất giám sát, tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để đảm bảo an toàn khi bán đến tay người tiêu dùng.
Tp. Hồ Chí Minh, đoàn kiểm tra liên ngành, doanh nghiệp, Ban quản lý chợ và nhà bán lẻ vẫn duy trì triển khai đa dạng giải pháp kiểm soát nguồn cung và chất lượng thịt lợn một cách chặt chẽ nhất; trong đó, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh đẩy mạnh kiểm tra những điểm chốt chặn tại trạm đầu mối giao thông, chợ đầu mối, cơ sở giết mổ và điểm kinh doanh thịt lợn, nhằm phòng chống dịch tả lợn châu Phi lây lan trên địa bàn thành phố./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục