Gặp mặt tập thể, cá nhân xuất sắc trong 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp

17:11' - 09/11/2018
BNEWS Chiều 9/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gặp mặt các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong 5 năm thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì buổi gặp mặt. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn ngành và cố gắng vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và nông dân nên nhiều chỉ tiêu phát triển của Đề án đã đạt hoặc gần tiệm cận mục tiêu của năm 2020 về cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường.

Trong 5 năm qua, nông nghiệp đạt được tăng trưởng 2,55%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so với bình quân của 5 năm trước; năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012, tăng trung bình 6,67%/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong Đề án.

Về mục tiêu xã hội, cùng với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017 (gấp 1,71 lần so với năm 2012 và 3,5 lần so với năm 2008), qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm.

Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2017 đạt 34,4%, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đạt 40% và năm 2020 sẽ đạt mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn.

Về mục tiêu môi trường, đến hết năm 2017 tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 42%); tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trong sản xuất đã từng bước được giám sát, xử lý nghiêm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, trong 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn.

Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong thành tích chung đó có sự đóng góp công sức, trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác và nông dân. Nhân dịp sơ kết 5 năm thực hiện đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tôn vinh 138 tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trao tặng Bằng khen cho 20 hợp tác và 20 nông dân/chủ trang trại tiêu biểu xuất sắc, đã có thành tích đóng góp trong việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; trao tặng Giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” lần thứ III cho 45 cá nhân, nhóm tác giả có sản phẩm tiêu biểu, xuất sắc đã được khẳng định trong thực tiễn, góp phần tạo ra những thành quả về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bộ cũng trao tặng Danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” lần thứ II cho 53 doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, có vai trò “đầu tàu” trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp 5 năm qua.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, bài học lớn rút ra trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các thành tố trong xã hội, từ trung ương đến địa phương; từ người dân đến doanh nghiệp, tổ hợp tác và từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo…

Khi cả xã hội chủ động, tích cực tham gia thì những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra mới trở thành hiện thực một cách có hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng bày tỏ và tin rằng, các tập thể, cá nhân và doanh nghiệp tiếp tục phát huy tốt thành tích đã đạt được, đóng góp lớn hơn nữa trong phát triển kinh tế, xã hội.

“5 nhà” cùng đồng tâm hiệp lực, hợp tác sâu sắc hơn nữa để đem lại hiệu quả cho nông dân, các thành phần kinh tế, đưa sự nghiệp nông dân, nông thôn phát triển, đưa đất nước ta hội nhập sâu sắc.

Tại cuộc gặp, các nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chương trình quảng bá các sản phẩm, cây trồng, vật nuôi cho tiềm năng sản xuất lớn, giá trị kinh tế cao.

Việt Nam nên kết hợp các ngành dịch vụ khác như du lịch, hàng không… để quảng bá, giới thiệu các loại nông sản Việt. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã cũng kiến nghị về tình trạng vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Theo ông Vũ Đức Bộ, Giám đốc Hợp tác xã Phúc Hưng (Bình Phước), hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm điều trên thị trường thế giới, có được giấy chứng nhận điều hữu cơ của Mỹ. Cây điều chỉ cho thu hoạch 1 vụ/năm.

Đây là sản phẩm có giá trị cao, mỗi năm hợp tác xã phải cần 60 tỷ đồng để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đây là nguồn vốn quá lớn với hợp tác xã nhưng việc tiếp cận vốn vay vẫn còn rất khó khăn. Hợp tác xã nhìn thấy tiềm năng phát triển nhưng lại gặp trở lại bởi tiềm lực hạn chế.

Lễ tuyên dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc; trao tặng Giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” lần thứ III và Danh hiệu “Doanh nghiệp vì Nhà nông” lần thứ II sẽ diễn ra vào 19h00 ngày 9/11 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô – số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục