Gắn sao cho sản phẩm OCOP tạo lợi thế thị trường

17:58' - 19/12/2018
BNEWS Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, việc gắn sao cho sản phẩm OCOP sẽ tạo lợi thế cho sản phẩm khi tham gia thị trường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TXXVN

Tại hội nghị giới thiệu Tuần lễ sản phẩm cam, quýt và sản phẩm OCOP Bắc Kạn tại Hà Nội năm 2018, chiều 19/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá, Bắc Kạn là một trong những địa phương triển khai tích cực chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm – OCOP”.

Đặc biệt, tỉnh đã có bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại các sản phẩm OCOP và hiện có 32 sản phẩm đạt 3 sao, 5 sản phẩm đạt 4 sao OCOP.

“Với việc gắn sao sẽ có lợi thế cho sản phẩm khi tham gia thị trường, dễ được các hệ thống phân phối bán lẻ và người tiêu dùng tin tưởng”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Bắc Kạn là tỉnh có lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, nổi bật với nhiều sản phẩm nông sản có chỉ dẫn địa lý.

Hiện nay, tỉnh đang phát triển sản xuất tập trung với quy mô lớn, sản phẩm từng bước xâm nhập vào thị trường phân phối trong và ngoài nước; đồng thời có những giải pháp quan trọng hỗ trợ đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, thu mua đưa vào hệ thống phân phối.

Đặc biệt vụ trái cây có múi năm nay, tỉnh đã chỉ đạo rất sớm các đơn vị chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể về xúc tiến thương mại, tiêu thụ cam quýt.

Đến nay, nhiều sản phẩm nổi bật của tỉnh như: miến dong, cam, quýt, hồng không hạt… được trồng thành các vùng hàng hóa tập trung. Điển hình như quýt, từ chỗ là cây trồng trong vườn tạp, nay đã trở thành cây trồng hàng hóa đặc sản của địa phương.

Đến nay diện tích cam, quýt đạt 3.500 ha, diện tích cho thu hoạch 2.100 ha, sản lượng từ 17.000 - 20.000 tấn/năm.

Song song với phát triển diện tích, tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm với mục tiêu đề ra là đến năm 2020 thực hiện thâm canh, cải tạo tăng năng suất 2.300 ha cây ăn quả gồm các loại: cam, quýt, hồng không hạt, mơ.

Đặc biệt là mục tiêu đạt 300ha sản xuất theo quy trình VietGAP và xác định canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị cạnh tranh, giúp nông sản đặc trưng của tỉnh vươn ra thị trường lớn.

Bên cạnh sản phẩm cam, quýt, Bắc Kạn còn có nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý như: hồng không hạt, miến dong, gạo Bao Thai...

Một số sản phẩm nông sản như: miến dong, bún khô, phở khô, gạo nếp thơm (Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn), gạo Bao Thai, Nano Curcumin (sản phẩm tinh chế từ củ nghệ) đã trở thành hàng hóa và có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa, thông qua triển khai Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Bắc Kạn” đã tạo thành phong trào sản xuất, kinh doanh tại cấp cơ sở.

Nhiều sản phẩm truyền thống của địa phương được chú trọng phát triển, xây dựng mẫu mã, bao bì đáp ứng quy định để lưu thông trên thị trường và có tiềm năng xuất khẩu.

Mặt khác, một số sản phẩm chế biến từ nông sản đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm như tinh bột nghệ...

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tăng cường các hoạt động thông tin, hỗ trợ kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm, hàng hóa của các tỉnh, thành phố khác tham gia vào các kênh phân phối của địa phương và ngược lại.

Quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, uy tín của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tỉnh cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển hệ thống lưu thông, phân phối sản phẩm như: hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghiệp để lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa mong muốn, Bắc Kạn được kết nối chặt chẽ hơn nữa với các tỉnh, thành phố phía Bắc và trong cả nước để sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao của Bắc Kạn đến được với người tiêu dùn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục