Gần 73% người tiêu dùng Cần Thơ lựa chọn hàng Việt khi mua sắm

16:37' - 23/07/2019
BNEWS Vừa qua, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Cần Thơ tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động.
Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Theo đó, đến nay tỷ lệ người tiêu dùng của thành phố Cần Thơ ưu tiên lựa chọn, mua sản phẩm hàng Việt đạt gần 73%.

Ông Tống Văn Nhịn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh: Kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố năm 2019 cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến cuộc vận động đạt 89%.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động tỷ lệ ưu tiên lựa chọn, mua sản phẩm hàng Việt đạt 72,9%.

Cán bộ đảng viên thường xuyên vận động người thân trong gia đình, bạn bè mua hàng Việt Nam đạt 51%; trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài nhưng nay đã dừng hoặc ít mua hơn và chuyển sang mua hàng Việt Nam đạt 71,3%.

Qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt ngày càng nhận được sự đón nhận, ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng thành phố Cần Thơ.

Nhận thức của người tiêu dùng đã có những chuyển biến tích cực; nhìn nhận đúng đắn hơn về khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ thực hiện vào năm 2012 và năm 2019, mức độ người dân quan tâm đến Cuộc vận động năm 2019 cao hơn 6% so với năm 2012.

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Trong đó, hầu hết người tiêu dùng đã có nhận thức và suy nghĩ ưu tiên hàng hóa Việt Nam trong việc mua sắm.

Bà Lê Thị Sương Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ ,cho biết, kết quả điều tra năm 2019 có điểm đáng chú ý là người tiêu dùng ngày càng có niềm tin với hàng hóa xuất xứ trong nước.

Cụ thể, có 72,9% người tiêu dùng cho biết tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Đặc biệt hơn, 71,3% người được khảo sát trả lời rằng trước đây có thói quen mua hàng nước ngoài thì nay đã dừng hoặc ít mua hơn, thay vào đó họ sẽ chọn hàng trong nước.

Hằng năm tại Cần Thơ đều diễn ra Chương trình “Tuần khuyến mại” do Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan tổ chức. Tổng giá trị hàng dịch vụ thực hiện khuyến mãi hằng năm hơn 1.290 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, thành phố duy trì đều đặn thực hiện Chương trình bình ổn thị trường nhân dịp Tết Nguyên đán.

Vốn đăng ký dự trữ hàng hóa 10 năm đạt hơn 1.495 tỉ đồng, giá bán bình ổn thấp hơn thị trường từ 5% trở lên, góp phần không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, giá tăng đột biến.

Từ năm 2009 đến 2012 ngân sách thành phố hỗ trợ vốn không lãi suất cho doanh nghiệp vay dự trữ hàng hóa là 135 tỉ đồng.

Cuộc vận động còn triển khai bằng nhiều hình thức như: tổ chức lễ phát động, tọa đàm, hội thảo, hội nghị chuyên đề; tổ chức ký kết thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường giữa Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm ổn định thị trường, giá cả...

Một trong những phương thức để quảng bá hàng Việt Nam tới người tiêu dùng đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua là tổ chức các kỳ hội chợ và đưa hàng Việt về vùng ngoại thành, khu dân cư trên địa bàn thành phố.

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, trong 10 năm qua Trung tâm đã tổ chức thành công 51 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại các quận, huyện và Khu công nghiệp Trà Nóc 1 với hơn 1.000 gian hàng của trên 500 doanh nghiệp đăng ký tham gia.

Tổng doanh thu bán hàng trực tiếp tại các phiên chợ hàng Việt này là trên 21 tỉ đồng. Riêng năm 2019 Trung tâm cũng đã tổ chức được bốn phiên chợ tại các quận Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Thới Lai.

Tại hội nghị đại diện siêu thị Co.opmart Cần Thơ cho biết, hưởng ứng Cuộc vận động, đơn vị này đã xây dựng, thực hiện và phát triển chiến lược “nội địa hóa” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt giới thiệu, phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong nước.

Theo đó, Co.opmart ưu tiên các doanh nghiệp hàng Việt trong chính sách mua hàng; ưu tiên diện tích, vị trí trưng bày cho các doanh nghiệp hàng Việt; ưu tiên hỗ trợ quảng bá sản phẩm mới, các chương trình khuyến mại cho các doanh nghiệp hàng Việt.

Đến nay, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam chiếm hơn 90% trong cơ cấu hàng hóa bày bán tại siêu thị.

Về phía các doanh nghiệp Việt ở Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Cần Thơ đề nghị cần đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh về giá, mẫu mã của hàng hóa; tăng cường quảng cáo thương hiệu, sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát triển hệ thống phân phối sản phẩm. Đối với người tiêu dùng, trước tiên là các cơ quan Đảng, Nhà nước, cần gương mẫu trong mua sắm, đầu tư công; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, gian lận trong thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục