G20 sẽ tạo bệ phóng mới cho kinh tế toàn cầu

06:32' - 03/09/2016
BNEWS Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 11 sẽ diễn ra tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) trong hai ngày 4-5/9.
Hàng CHâu sẵn sàng cho Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ngày 4-5/9 tới. Ảnh: inventariandochina.com

Trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đối mặt với không ít khó khăn, những ý tưởng và sáng kiến của nước chủ nhà Trung Quốc và lãnh đạo một số nước nêu bật nỗ lực thích ứng và phối hợp nhằm tìm kiếm giải pháp đưa kinh tế thoát khỏi tình trạng yếu kém hiện nay.

Giai đoạn khó khăn về kinh tế

Tám năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, môi trường kinh tế toàn cầu hiện chưa thuận lợi, đà phục hồi vẫn chậm với tỷ lệ thất nghiệp cao, nợ tăng, thương mại và đầu tư yếu, các thị trường hàng hóa cũng như tài chính biến động.

Kể từ sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính, các biện pháp kích thích và nới lỏng chính sách tiền tệ đã đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, đặc biệt là ở một số nước phát triển, đã dẫn tới nguy cơ làm mất ổn định về tài chính và kinh tế vĩ mô ở những nước khác. Việc sử dụng chính sách tài khóa cũng bị hạn chế ở một số nước do nợ cao.

Trong bối cảnh kinh tế và tài chính toàn cầu vốn đã phức tạp, việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, chủ nghĩa bảo hộ và khủng bố đã làm tình hình thêm trầm trọng, khiến các nước gặp khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp thay thế phù hợp. Và các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ tăng trưởng trì trệ trong một thời gian dài.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay và năm sau của các đầu tàu kinh tế thế giới như Mỹ, Đức, Nhật Bản và Anh.

Chưa dừng lại ở đó, việc nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro cũng đang đứng trước nguy cơ sa sút, theo như dự đoán trước đó của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Alan Greenspan, cũng sẽ phủ thêm bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu.

Triển vọng đáng ngại trên có thể trở thành hiện thực nếu các nền kinh tế phát triển không giải quyết được vấn đề chênh lệch giàu nghèo đang ngày một lớn ở trong nước, giảm gánh nặng nợ và lấy lại động lực phát triển sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thông qua việc nới lỏng định lượng quy mô lớn, cùng với các chính sách khác.  

Trước các thách thức, nếu cộng đồng quốc tế không thể thúc đẩy cải cách cơ cấu, tăng cường quản trị kinh tế, thì triển vọng của kinh tế thế giới rất khó được cải thiện. Chỉ có cân bằng lợi ích và yêu cầu của các bên, nỗ lực tìm ra biện pháp bổ sung ưu thế cho nhau mới có thể khiến việc quản trị kinh tế toàn cầu từng bước đi lên hợp lý hoá.  

Một trật tự kinh tế mới được cho là sẽ mở ra một hướng đi mới cho sự phục hồi kinh tế của các nước phát triển trong những nỗ lực chung với tiếng nói lớn hơn trong quản trị kinh tế toàn cầu của các nước đang phát triển và đây cũng là một mục tiêu chính của G20. 

Kỳ vọng về thành công

Chiếm 2/3 dân số và hơn 80% GDP toàn cầu, các nước G20 xứng đáng và được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong quản lý kinh tế thế giới. Hội nghị sắp tới chắc chắn là một cơ hội tốt và có thể sẽ có ý nghĩa lớn trong việc phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

G20 sẽ tạo bệ phóng mới cho kinh tế toàn cầu. Ảnh: globaltimes.cn

Là nước chủ nhà, Trung Quốc sẽ nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy đối thoại giữa các nước phát triển và đang phát triển về tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng thông qua cải cách và đổi mới. Các cải cách, đặc biệt là các cải cách cơ cấu, phải được lồng ghép vào các khung chính sách hiện nay để tạo ra mảnh đất tốt cho tăng trưởng.

Trong khi đó, đổi mới sẽ lần đầu tiên trở thành nội dung nghị sự chủ chốt của G20, khi gắn với công nghệ, các sản phẩm mới và mô hình kinh doanh mới, từ đó tạo ra các cơ hội và xu hướng tiêu dùng mới.

Xoay quanh chủ đề của hội nghị là “Kiến tạo kinh tế thế giới sáng tạo, năng động, kết nối, bao trùm”, các nhà lãnh đạo từ các nước thành viên khác sẽ cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận về quản trị kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư, mục tiêu là tìm kiếm động lực mới cho kinh tế toàn cầu.

Theo Giám đốc Albright Stonebridge Group, Amy Celico, mặc dù các mục tiêu tham vọng sẽ khó có thể đạt được chỉ qua một hội nghị, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc đàm phán đa phương về thương mại toàn cầu bị đóng băng, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và dân tộc, Trung Quốc ít nhất có thể làm nên ít nhiều tiến triển trong thương mại toàn cầu.

Trong khi Giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Zhang Yuyan cho rằng để giải quyết vấn đề thương mại của toàn cầu, mỗi nước vẫn cần phải xử lý các vấn đề trong nước và làm thế nào để ngày càng nhiều người được hưởng lợi từ toàn cầu hóa.

Trong khi đó, tờ Indian Express nhận định hội nghị tại Hàng Châu có thể là ánh sáng cuối đường hầm tám năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, và cho rằng thành công của hội nghị phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của các nước thành viên trong việc thực thi các chính sách và giải pháp được đề ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục