Fed: Thương chiến Mỹ-Trung vẫn “ám ảnh” ngành tài chính Mỹ

11:23' - 16/11/2019
BNEWS Nhiều chuyên gia dự đoán thuế của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ vẫn có hiệu lực vào năm 2020 và cho biết các mức thuế này đã bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một báo cáo được công bố ngày 15/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết các nhà giao dịch trên thị trường, giới đầu tư và những người đứng đầu các ngân hàng vẫn xem cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là mối đe dọa lớn nhất trong ngắn hạn đối với sự ổn định tài chính của Mỹ.

Theo báo cáo nói trên, nhìn chung, những nguy cơ đối với hệ thống tài chính Mỹ không có nhiều thay đổi so với báo cáo trước đó hồi tháng Năm. Trong đó, giá tài sản ở nhiều thị trường vẫn còn cao và hoạt động vay nợ đang gia tăng nhanh chóng ở các doanh nghiệp rủi ro nhất. Tuy nhiên, tình hình tài chính của các hộ gia đình và các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã ổn định hơn.

Cũng như báo cáo trước đó hồi tháng Năm, thương mại vẫn là vấn đề gây lo ngại nhất. Phần lớn những người trong lĩnh vực ngân hàng và đầu tư tham gia khảo sát của Fed đều cho biết thương mại là mối quan ngại lớn nhất của họ trong 12-18 tháng tới. Những người này dự đoán thuế của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ vẫn có hiệu lực vào năm 2020 và cho biết các mức thuế này đã bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, trong một diễn biến tích cực, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 15/11 cho biết một thỏa thuận thương mại một phần giữa Mỹ và Trung Quốc có thể được ký kết, nhưng ở cấp bộ trưởng, chứ không bởi người đứng đầu hai quốc gia.

Ông Larry Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, trong nhiều ngày gần đây đã bày tỏ lạc quan rằng những nỗ lực trong việc hoàn tất thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiến triển tốt.

Vấn đề gây quan ngại thứ hai đối với những người tham gia khảo sát là liệu ngân hàng trung ương các nước trên thế giới có khả năng ứng phó nếu xảy ra một đợt suy thoái hay không, khi mà lãi suất ở nhiều nền kinh tế lớn đang ở mức rất thấp hay thậm chí là âm.

Báo cáo nói trên cũng một lần nữa cảnh báo vấn đề nợ doanh nghiệp, vốn đang gia tăng nhanh chóng.

Bà Lael Brainard, thành viên Hội đồng thống đốc của Fed, cho rằng trong trung hạn, lãi suất thấp và nguồn vốn “rẻ” sẽ khiến giới đầu tư gặp nhiều rủi ro và có thể làm gia tăng những nguy cơ tài chính. Theo bà, khi suy thoái xảy ra, việc hạ mức xếp hạng nợ của nhiều doanh nghiệp có thể khiến giới đầu tư bán tháo các trái phiếu này, từ đó khiến thanh khoản trên thị trường cạn kiệt./.

>> Chính phủ Mỹ đề xuất tăng gần gấp đôi lệ phí nhập tịch Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục