Fed nâng lãi suất – Câu chuyện không chỉ của riêng nước Mỹ

13:51' - 29/09/2018
BNEWS Đây là lần tăng lãi suất thứ ba của Fed trong năm nay và là lần thứ 8 Fed lãi suất kể từ năm 2015.
Trụ sở FED tại Washington DC., Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 25-26/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên biên độ 2-2,25%, với nhận định nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ “tận hưởng” thêm ít nhất ba năm tăng trưởng nữa.
Đây là lần tăng lãi suất thứ ba của Fed trong năm nay và là lần thứ 8 Fed lãi suất kể từ năm 2015, sau khi giữ tỷ lệ này ở mức thấp kỷ lục trong 7 năm (từ năm 2008), thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Fed đánh giá trong năm nay kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,1%, cao hơn dự kiến trước đó và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong ít nhất ba năm nữa, giữa bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở ngưỡng thấp (3,9% hiện nay) và lạm phát ổn định gần mục tiêu 2%.
Fed có thể sẽ tiến hành thêm một đợt nâng lãi suất nữa vào tháng Mười Hai tới, ba đợt nữa vào năm 2019 và một đợt vào năm 2020. Theo đó, tỷ lệ lãi suất cho vay của Fed có thể được đẩy lên tới 3,4%. Chính sách tiền tệ thắt chặt có thể sẽ được tiếp tục duy trì cho đến năm 2021.
Sau 10 năm Fed áp dụng lãi suất siêu thấp để giúp nền kinh tế chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều người đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, thì giờ đây lãi suất gia tăng có thể phơi bày những nguy cơ đang tiềm ẩn trong nền kinh tế Mỹ cũng như các nền kinh tế khác trên thế giới.
Không giống như thời kỳ trước năm 2008, lần này các khoản vay có thế chấp được dự đoán sẽ không phải là tác nhân cho cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Thay vào đó, yếu tố gây quan ngại nhiều hơn là các khoản vay cho sinh viên hay vay mua ô tô, thứ nhất là do số người vay có điểm tín dụng thấp gia tăng, và thứ hai là do tổng số nợ thuộc loại này đang “phình to” ra.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ đã tận dụng nhiều năm lãi suất ở mức thấp để phát hành cổ phiếu và tìm kiếm các nhà đầu tư. Việc tìm kiếm lợi nhuận thông qua loại hình đầu tư này đã khiến giới đầu tư nắm giữ tỷ lệ chứng khoán cấp thấp ngày càng tăng.
Và cũng như các doanh nghiệp, nợ của chính phủ các nước mới nổi cũng đang gia tăng, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng trong nhiều trường hợp, các nước này đã cải thiện được những nền tảng kinh tế cơ bản hậu khủng hoảng, giúp cho nền kinh tế của họ có thể chịu được một vài sự bất ổn.

Tuy nhiên, khi Fed nâng lãi suất, lãi suất vay bằng đồng USD sẽ tăng lên đối với các nước này, cùng lúc đó đồng USD cũng tăng giá do giới đầu tư rút tiền ra khỏi các thị trường mới nổi để mua USD.
Trong khi đó, các nhà phân tích lưu ý rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, Canada , châu Âu và các đối tác thương mại khác có thể sẽ tác động mạnh tới kinh tế Mỹ.

Chính sách áp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ làm tăng giá các mặt hàng chủ chốt và có khả năng làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong kịch bản này, Fed sẽ làm chậm lại tiến trình tăng lãi suất và có thể chỉ tăng lãi suất hai lần trong năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục