EVNNPT tiếp nối truyền thống – Bài 4: Xây dựng hàng nghìn công trình truyền tải

12:04' - 15/05/2018
BNEWS Tổng Công ty đã đưa vào vận hành phục vụ cung cấp điện cho Hà Nội và TP.HCM, như các trạm biến áp 220kV Vân Trì, Thành Công, Đức Hòa; các đường dây 220kV Vân Trì - Sóc Sơn, Vân Trì - Chèm...
Trạm biến áp 500kV Dốc Sỏi. Nguồn: TTXVN

Chặng đường phát triển 10 năm đối với một đơn vị chưa phải là dài, nhưng Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đầu tư xây dựng được hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn công trình truyền tải điện có quy mô nhỏ, vừa và lớn, nhằm tạo nên một hệ thống truyền tải điện hoàn chỉnh trên phạm vi cả nước một cách vững chắc, đảm bảo cung cấp điện liên tục cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Có thể lấy điểm khởi đầu là tháng 12/2008, Tổng Công ty đã xem xét và phê duyệt 30 dự án đầu tư xây dựng các công trình liên quan tới lĩnh vực truyền tải điện của các đơn vị trong Tổng Công ty. Vào những thời điểm còn rất nhiều khó khăn về nhân lực, tài lực, vật lực, về giải phóng mặt bằng thi công, thì đó là những kết quả rất đáng ghi nhận. Tiếp theo hàng năm, Tổng Công ty đều cố gắng để dành kinh phí đầu tư xây dựng nhiều công trình truyền tải điện cấp thiết và cơ bản.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty vừa phải thực hiện tiến độ đầu tư xây dựng theo Tổng sơ đồ điện VI, VII, vừa phải thực hiện rà soát, cắt giảm các công trình đầu tư theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 06-CTr/ĐU của Đảng ủy EVNNPT. Trước tình hình khó khăn phải “liệu cơm, gắp mắm”, Tổng Công ty và các Ban Quản lý Dự án các công trình điện cùng các đơn vị thành viên đã rà soát lại toàn bộ các công việc.

Bắt đầu từ tiến độ đóng điện, khởi công các công trình, lập danh mục thứ tự ưu tiên để điều hành vốn và tiến độ cho phù hợp, cho tới việc tập trung chỉ đạo lập Dự án đầu tư, chỉ đạo quyết liệt tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, các công trình đồng bộ nguồn; các công trình nâng cao năng lực truyền tải; các công trình trọng điểm cấp điện cho thủ đô Hà Nội và miền Nam…
Đặc biệt, từ năm 2011 - 2015, Tổng Công ty đã đầu tư các công trình lưới điện truyền tải với khối lượng lớn, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất của các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống, đồng thời đã kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại các khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam.
Trước hết, lưới điện 500kV được phát triển mạnh, qua đó đã góp phần nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện của hệ thống truyền tải điện, như: Mạch vòng 500kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan - Thường Tín - Quảng Ninh - Hiệp Hòa - Sơn La ở khu vực miền Bắc, mạch vòng Phú Lâm - Cầu Bông - Tân Định - Sông Mây - Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm ở miền Đông Nam Bộ qua Đường dây 500kV Nhà Bè - Ô Môn và Phú Lâm - Ô Môn.
Song song với đó, Tổng Công ty đã hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều công trình nâng cao năng lực hệ thống truyền tải điện như: Nâng dung lượng tụ bù dọc toàn tuyến 500kV Bắc - Nam từ 1000A lên 2000A, Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông... qua đó đã đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được EVN giao trong việc cung cấp điện cho đất nước, nhất là cấp điện sản xuất và sinh hoạt cho khu vực miền Nam.
Cùng với việc phát triển lưới điện 500kV, Tổng Công ty đã tập trung đầu tư xây dựng các dự án lưới điện 220kV, đưa vào vận hành phục vụ cung cấp điện cho thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, như các trạm biến áp 220kV Vân Trì, Thành Công, Đức Hòa; các đường dây 220kV Vân Trì - Sóc Sơn, Vân Trì - Chèm, Hà Đông - Thành Công, Cầu Bông - Đức Hòa, Cầu Bông - Hóc Môn rẽ Bình Tân.

Tổng Công ty đã hoàn thành xây mới, nâng cấp các trạm biến áp 220kV đáp ứng kịp thời nhu cầu cung cấp điện cho phát triển phụ tải và giải quyết tình trạng quá tải tại các địa phương trên cả nước.
Tất cả các công trình lưới điện đấu nối với các nguồn điện đã đưa vào vận hành đồng bộ với tiến độ phát điện, qua đó phát huy tối đa hiệu quả vận hành của các nhà máy điện, như lưới điện đồng bộ các nhà máy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Quảng Ninh, Mông Dương, Vũng Ánh, Vĩnh Tân, Duyên Hải, Nghi Sơn, cùng các dự án nhiệt điện và thủy điện trên địa bàn toàn quốc.
Như vậy trong giai đoạn này, Tổng Công ty đã hoàn thành và đưa vào vận hành 231 công trình 220 - 500kV với tổng chiều dài đường dây là 8.105 km, tổng dung lượng các máy biến áp đạt 28.426 MVA với giá trị khối lượng thực hiện đạt 74.632 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với khối lượng thực hiện giai đoạn 2008 - 2010.
Trong các năm 2016, 2017, Tổng Công ty tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn nảy sinh do việc áp dụng Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, cùng các văn bản hướng dẫn mới ban hành về công tác đấu thầu, bồi thường giải phóng mặt bằng thi công, về chuyển đổi đất rừng.

Riêng năm 2017, Tổng Công ty tiếp tục hoàn thành khối lượng đầu tư đạt 17.984 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch điều chỉnh Tập đoàn giao để khởi công 38 dự án trên kế hoạch 33 dự án, gồm 6 dự án 500kV, 32 dự án 220kV; đã đóng điện hoặc hoàn thành đủ điều kiện đóng điện 50/kế hoạch 55 dự án; trong đó có các dự án cấp điện cho thủ đô Hà Nội; triển khai các dự án án đấu nối, giải tỏa công suất các nhà máy điện và các dự án nâng cấp công suất máy biến áp 220kV để xử lý tình trạng đầy và quá tải ở một số tỉnh, thành...
Trong năm, Tổng Công ty đã trình lên các cấp có thẩm quyền dự án Đường dây 500kV mạch 3 (Vũng Áng đi Pleiku 2). Tới nay đã hoàn thành các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2017, đang khẩn trương triển khai các bước tiếp theo để có thể khởi công vào quý II/2018 đúng theo quy định và tiến độ đề ra.
Ngoài ra, thực hiện chủ đề “Đẩy mạnh khoa học - công nghệ”, Tổng Công ty đã tập trung hoàn thành chương trình ERP và được Tập đoàn đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tốt nhất trong toàn EVN; triển khai áp dụng nhân rộng hệ thống quản lý kỹ thuật và vận hành tại tất cả các đơn vị; xây dựng và ứng dụng phần mềm trong quản lý và sản xuất kinh doanh; đưa vào sử dụng phần mềm thu thập, quản lý dữ liệu đo đếm từ xa và theo dõi phân tích tổn thất điện năng.
EVNNPT bước đầu đã làm tốt việc nâng cao khả năng kết nối thông tin, bảo vệ, điều khiển tự động và SCADA/EMS của hệ thống truyền tải điện, sẽ tiếp tục triển khai trang bị hệ thống điều khiển tự động hóa cho 19 trạm biến áp còn lại.../.
>>> Bài 5: Điểm sáng là thu xếp vốn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục