EVN phát triển hệ thống viễn thông dùng riêng – Bài 1: Tầm quan trọng

12:00' - 07/08/2019
BNEWS EVN hiện đang sử dụng hạ tầng sẵn có và đầu tư mới để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết phục vụ hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh.
Phòng vận hành Thủy điện Srêpôk 3. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Từ khi hệ thống điện được hình thành, đặc biệt là khi hệ thống điện Quốc gia được liên kết với nhau thông qua đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc – Nam, hệ thống thông tin liên lạc luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo vận hành hệ thống điện Quốc gia.

Theo Quyết định số 26/2006/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/1/2006 về việc phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam; trong đó, yêu cầu Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) thiết lập hệ thống quản lý vận hành và hệ thống đo đếm điện năng từ xa hoàn chỉnh tới các đơn vị phát điện thuộc EVN và tới các nút quan trọng trong lưới truyền tải.

Đồng thời, EVN cũng chịu trách nhiệm thiết lập hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành và giao dịch thanh toán trên thị trường phát điện cạnh tranh. Do đó, nhu cầu kết nối, tạo thành hệ thống viễn thông dùng riêng của EVN là nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao phó.

Ngoài ra, theo Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 8/11/2012 được Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phê duyệt về việc phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam, EVN chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và tăng cường hệ thống giám sát, điều khiển tự động cho hệ thống điện, hệ thống đo đếm từ xa.

Trạm biến áp 220kV Kon Tum. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Mặt khác, theo Thông tư số 27/2009/TT-BCT ngày 25/9/2013 của Bộ Công Thương về việc quy định đo đếm điện năng trong thị trường phát điện cạnh tranh, EVN phải thiết lập hệ thống đo đếm từ các công tơ điện, máy biến dòng điện, máy biến điện áp và các thiết bị phụ trợ và truyền tải các thông tin bao gồm đặc tính, các thông số kỹ thuật và các thông tin liên quan đến quản lý, vận hành.

Do vậy, ngoài việc kết nối các kênh nghiệp vụ thực hiện đo đếm điện năng và truyền tải dữ liệu hệ thống từ xa trên mạng viễn thông dùng riêng, EVN còn phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu kết nối, lưu trữ, cập nhật số liệu của các đơn vị có tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.

Nhận thức rõ ảnh hưởng của năng lượng điện tới toàn xã hội, đồng hành với sự phát triển của hệ thống lưới điện, EVN đã đầu tư hệ thống viễn thông dùng riêng để điều độ quá trình sản xuất, truyền tải và cung cấp điện năng.

EVN hiện đang sử dụng hạ tầng sẵn có và đầu tư mới để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết phục vụ hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh.

Đây là một hệ thống đặc thù, riêng biệt mà chỉ riêng EVN phải đầu tư xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, khai thác và xử lý sự cố. 

Theo đó, hệ thống viễn thông dùng riêng của EVN cần phải có một hệ thống trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng được các yêu cầu như: Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ điều hành sản xuất; Đảm bảo đo lường tín hiệu từ xa tại các nhà máy điện, trạm biến áp (TBA) phục vụ tự động bảo vệ đường dây điện, điều hành an toàn lưới điện; Truyền các thông tin tín hiệu từ các nhà máy điện, TBA về các đơn vị Điện lực, Trung tâm Điều độ hệ thống Điện tại các Miền, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia nhằm đảm bảo nắm bắt kịp thời thông tin lưới điện,  phục vụ cho điều hành hệ thống an toàn, tin cậy. Đồng thời, truyền thông tin điều hành đảm bảo tính trong suốt giữa các đơn vị và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật cho việc vận hành, điều hành trên lưới điện.

Đường dây 500kV Sơn La-Lai Châu. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Mạng viễn thông dùng riêng của EVN có chức năng chính là phục vụ việc điều hành, vận hành hệ thống điện và thị trường điện Việt Nam; đồng thời phục vụ công tác quản lý của Công ty mẹ EVN và các hoạt động quản lý, sản xuất - kinh doanh của các đơn vị thuộc Tập đoàn. Với chức năng chính này, hệ thống luôn phát triển song hành với sự phát triển của hệ thống điện Việt Nam.

Do đặc thù riêng biệt, các thiết bị viễn thông hầu hết đều được lắp đặt và sử dụng tại các nhà máy điện, TBA, cán bộ và nhân viên vận hành hệ thống viễn thông dùng riêng của EVN bắt buộc phải hiểu, nắm rõ quy trình vận hành về điện, quy trình an toàn lao động khi thực hiện thao tác, đồng thời phải đảm bảo an toàn và xử lý nhanh sự cố phát sinh, vì vậy EVN không thể thuê ngoài ngành mà phải tự đầu tư và vận hành hệ thống. Ngoài ra, chi phí đầu tư một hệ thống dùng riêng, đảm bảo được các yêu tố an toàn bảo mật về lâu dài là tiết kiệm hơn với việc thuê hạ tầng, tài nguyên của đơn vị khác.

Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) cho biết, hệ thống thông tin liên lạc dùng riêng phục vụ mục đích điều hành sản xuất kinh doanh của EVN đã được thiết lập từ hơn 30 năm nay. Hệ thống thông tin dùng riêng này, trước kia được thiết lập dựa trên các giấy phép mà Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho Công ty Thông tin viễn thông Điện lực (EVNTelecom).

Theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 5/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chuyển Công ty Thông tin viễn thông Điện lực từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), EVNTelecom đã bàn giao sang Viettel và các giấy phép đó cũng được bàn giao sang Viettel.

Tuy nhiên toàn bộ các thiết bị viễn thông được đầu tư cùng với các công trình điện không thuộc phạm vi phải bàn giao và vẫn đang được sử dụng cho các mục đích điều hành hệ thống điện. Đồng thời, Viettel cũng đã giao lại hệ thống đường trục truyền dẫn quang Bắc – Nam 2,5 GB/s và nhiều thiết bị viễn thông khác. Các thiết bị viễn thông không thuộc phạm vi phải bàn giao và các thiết bị viễn thông do Viettel bàn giao lại trước kia và hiện nay vẫn đang được tổ chức thành một hệ thống (hay cũng có thể gọi là một mạng viễn thông) dùng cho các mục đích điều hành sản xuất kinh doanh điện năng của EVN.

Ông Trần Tuấn Trung, Phòng Điều hành - Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) cho biết, thời kỳ từ 12/2011 - 12/2013, sau khi Công ty Thông tin Viễn thông điện lực sáp nhập với Viettel, gần như toàn bộ hạ tầng cáp quang OPGW, ADSS, Non-metalic của Tập đoàn trên toàn quốc bị bàn giao sang Viettel. Theo thỏa thuận giữa hai Tập đoàn, EVN được quyền sử dụng 4 sợi quang OPGW trên đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 và mạch 2 (mỗi mạch 2 sợi) và 4 sợi quang OPGW trên các đường dây khác.

Thời kỳ này hạ tầng viễn thông dùng riêng của EVN chỉ là tập hợp những đoạn tuyến truyền dẫn điểm hay điểm rời rạc trên hệ thống 220/110kV, không được liên kết thành mạng và không có dự phòng.

Trừ một số ít các kênh truyền có rơ le bảo vệ trên hệ thống 220/110kV, toàn bộ các dịch vụ khác như hệ thống điều khiển thiết bị điện từ xa (SCADA), Hotline, kết nối WAN, kênh truyền rơ le bảo vệ trên đường dây 500kV Bắc - Nam, kết nối tổng đài nội bộ đều phải thuê Viettel hoặc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Tuy nhiên, từ tháng 1/2014 đến nay, là thời gian EVN tiếp nhận lại từ Viettel các thiết bị truyền dẫn đường trục Bắc - Nam mạch 1 và 2 và 65 thiết bị truyền dẫn STM16/64 khác.

Trong khoảng thời gian này, EVNICT đã tổ chức lại hệ thống truyền dẫn đường trục Bắc - Nam và bổ sung các tuyến truyền dẫn liên tỉnh với mục tiêu tăng cường độ ổn định và tin cậy cho hệ thống.

Theo đó, EVNICT đã tách các thiết bị truyền dẫn dùng chung cho cả mạch 1 và 2 tại các TBA 500kV thành hai thiết bị độc lập, mỗi thiết bị hoạt động trên một mạch; đồng thời, thiết kế, lắp đặt và lần lượt đưa vào vận hành 9 vòng ring (vòng liên kết, tăng độ tin cậy, bảo vệ các dịch vụ) liên tỉnh.

Nhờ việc tổ chức lại hệ thống truyền dẫn đường trục và thiết lập các vòng ring liên tỉnh, độ tin cậy của hệ thống được cải thiện, đặc biệt là độ tin cậy về kênh truyền rơle bảo vệ trên hệ thống 500kV Bắc - Nam.

Đáng chú ý, ngày 30/01/2015 Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có giấy phép số 66/GP-CVT cho phép EVN và các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thiết lập mạng viễn thông dùng riêng (gồm các mạng hữu tuyến và vô tuyến). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để xây dựng và triển khai Quy hoạch phát triển viễn thông dùng riêng giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2025./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục