EVFTA-Bài cuối: Việt Nam-“điểm sáng” của kinh tế thế giới

19:32' - 12/02/2020
BNEWS Nhiều quan chức các nước, các tổ chức quốc tế có uy tín và chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đã đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam.
Trong ảnh: Dây chuyền chế biến, sơ chế hoa quả xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Trong bối cảnh Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA), nhiều quan chức các nước, các tổ chức quốc tế có uy tín và chuyên gia kinh tế hàng đầu trên thế giới mới đây đã đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam cũng như những cơ hội của Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam khi các hiệp định này có hiệu lực.
*Tiềm năng to lớn 
Theo bài báo trên tờ Làn sóng Đức (DW), EU coi EVFTA là một trong những thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất mà châu Âu ký với một nước đang phát triển; trong đó sẽ dỡ bỏ tới 99% hàng rào thuế quan của hai bên; giảm rào cản thương mại phi thuế quan và tạo thuận lợi để các doanh nghiệp EU và Việt Nam tiếp cận thị trường của nhau.
Bài báo trên dẫn lời cựu Trưởng đại diện Quỹ Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) ở Việt Nam Erwin Schweisshelm nói rằng EVFTA không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng cả về địa chiến lược.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ, trong bối cảnh căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng thì EVFTA là một thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam và EU về toàn cầu hóa và cam kết kiên định về một hệ thống thương mại tự do dựa trên luật pháp, đồng thời giúp tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và Việt Nam về kinh tế và chính trị.
Theo bài báo, từ nhiều năm nay, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam đã hướng tới thương mại tự do. Không một quốc gia nào trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngoài Singapore (Xin-ga-po) ký nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) như Việt Nam, với 11 FTA đã ký và 5 FTA đang đàm phán.

Chiến lược đã đạt hiệu quả khi kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trung bình 6,5% trong 5 năm qua; trong đó có một phần lớn là từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại. Báo DW cho rằng sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ còn hấp dẫn hơn nữa với các nhà đầu tư, đặc biệt từ EU.
Bài báo cũng cho biết đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 6/8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO). Dẫn lời ông Schweisshelm, bài báo đánh giá cao việc Việt Nam thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi; trong đó có quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đánh giá EVFTA sẽ củng cố hơn nữa thương mại dựa trên luật lệ và chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Ông Peter Altmaier cũng nhận định EVFTA đảm bảo sự tiếp cận của các sản phẩm của Đức vào thị trường Việt Nam cũng như các khoản đầu tư của các doanh nghiệp Đức vào thị trường ngày càng quan trọng này.
Còn theo Trưởng Văn phòng liên lạc EU tại Brussels của Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức, ông Pierre Groning, về tổng thể EVFTA là thỏa thuận với một quốc gia bổ sung rất tốt cho nền kinh tế châu Âu. Việt Nam là nhà sản xuất rất nhiều mặt hàng với sản lượng lớn, có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường châu Âu và cũng có khả năng tiếp nhận rất nhiều sản phẩm từ EU, đặc biệt là mặt hàng hóa chất.
Trang Diễn đàn Đông Á của Đại học Quốc gia Australia mới đây đăng bài viết của Phó Giáo sư kinh tế danh dự tại Trường Chính sách công Crawford, Suiwah Leung; trong đó nhận định một lần nữa, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng chống chọi trước những cơn gió ngược và bất ổn toàn cầu trong thời gian qua và Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục cải cách cơ cấu để củng cố tương lai bền vững của đất nước.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa qua đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 6,8% cho năm 2020, trái ngược với xu hướng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á. Còn theo báo The Business Times, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2020 với sự hậu thuẫn của triển vọng lạc quan về kinh tế vĩ mô, một tầng lớp trung lưu đang phát triển, khả năng ứng dụng nhanh các công nghệ tiên phong và ngành công nghiệp chế tạo sản xuất đang phát triển mạnh.
*Tương lai tươi sáng 
Lãnh đạo EP và Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) của EP đã khẳng định ý nghĩa quan trọng về kinh tế và chính trị của EVFTA và EVIPA trong việc tăng cường vai trò và vị thế của EU tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời đánh giá cao quá trình chuẩn bị thực thi Hiệp định của Việt Nam, nhất là việc triển khai các cam kết về phát triển bền vững.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh (phải) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Kim Chung-pv TTXVN tại Bỉ

Các nghị sỹ trong EP đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua; chúc mừng Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN 2020; khẳng định EU sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển thời gian tới, bao gồm thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm.
Trong khi đó, Giáo sư về quan hệ quốc tế Aleksius Jemadu thuộc Đại học Pelita Harapan của Indonesia (In-đô-nê-xi-a) tin tưởng rằng Việt Nam sẽ gặt hái nhiều thành công trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của tổ chức khu vực này trên trường quốc tế.
Theo ông Aleksius, Việt Nam - Chủ tịch ASEAN 2020 -  là một "tấm gương tốt" cho các nước châu Á khác trong lĩnh vực phát triển kinh tế, với tốc độ tăng trưởng và lượng vốn đầu tư nước ngoài cao nhất. Ông Aleksius hy vọng rằng trên nền tảng đó, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, qua đó giúp ASEAN có thể cạnh tranh với sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Báo cáo về tình hình đầu tư công nghệ tại Việt Nam năm 2019 của ESP Capital cũng cho thấy bán lẻ đứng đầu trong các ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, nhờ tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam và dư địa thị trường này còn rất lớn. GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến sẽ sớm vượt ngưỡng 10.000 USD với tốc độ tăng trưởng 6-7%/năm và cấu trúc dân số hiện nay của Việt Nam.
Còn theo báo cáo gần đây của McKinsey&Company, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á và được cân bằng với tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng. Năm 2018, việc áp dụng các hình thức trao đổi thương mại hiện đại trong lĩnh vực hàng tạp hóa và thực phẩm phụ của Việt Nam chỉ vào khoảng 8%, thấp hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á khác.
McKinsey&Company dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên tới 26% vào năm 2025 trong bối cảnh thị trường hàng hóa thực phẩm đang trên lộ trình hiện đại hóa đáng kể, dự kiến sẽ tăng từ mức 4 tỷ USD hiện tại lên 20 tỷ USD vào năm 2025.
Số liệu thống kê cho hay Việt Nam hiện là một trong 10 nước có số người sử dụng Internet cao nhất toàn cầu với 61 triệu người dùng thường xuyên. Ngoài ra, với dân số trẻ, năng động, Việt Nam dành ưu tiên cao nhất phát triển nền kinh tế số dựa trên đổi mới, sáng tạo.
Theo báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á 2019 được Google, Temasek và đối tác mới Bain & Company công bố, quy mô nền kinh tế số của Việt Nam đạt 12 tỷ USD năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 43 tỷ USD năm 2025 với các lĩnh vực tiềm năng như thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến... /.

Xem thêm:

>>Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA: Thể hiện sự tin cậy giữa Việt Nam và EU

>>Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU - Bài 1: Đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục