Duma quốc gia Nga ​nhất trí ủng hộ dự luật sửa đổi Hiến pháp trong lần đọc đầu tiên

17:55' - 23/01/2020
BNEWS Ngày 23/1, các nghị sĩ tại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã nhất trí ủng hộ dự thảo luật về sửa đổi Hiến pháp Liên bang do Tổng thống Vladimir Putin đề nghị trong lần đọc đầu tiên.
Toàn cảnh phiên họp Duma Quốc gia Nga tại Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi tranh luận về những kiến nghị sửa đổi trong chưa đầy 2 giờ đồng hồ, toàn bộ 432 nghị sĩ có mặt đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật trên, một phần trong kế hoạch cải cách lớn của Tổng thống Putin được công bố hồi tuần trước.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin nhấn mạnh việc toàn bộ các nghị sĩ tại Hạ viện ủng hộ dự luật trên là minh chứng mạnh mẽ cho thấy sự đoàn kết trong Hạ viện. Ông cho biết lần đọc thứ hai dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 11/2 tới.

Trước đó, ngày 20/1, Tổng thống Putin đã ký quyết định giới thiệu sang Duma Quốc gia Nga xem xét dự luật sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga.

Theo đó, nhiều nội dung quan trọng đã được nhà lãnh đạo Nga đề nghị các nhà lập pháp xem xét thông qua. Toàn văn dự luật kể trên đã được công bố chính thức trên website của Duma Quốc gia Nga. Cơ quan này cũng ấn định thời gian và các bước cũng như thủ tục xem xét dự luật này.

Theo quy định, dự luật cần được xem xét và thông qua tại Duma Quốc gia sau 3 lần đọc. Nếu được thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên Hội đồng Liên bang (Thượng viện) xem xét thông qua, trước khi được đưa về Tổng thống ký công bố. Dự kiến, nhiều sửa đổi quan trọng sẽ được xem xét.

Theo giới thiệu của Tổng thống Putin, dự luật sửa đổi Hiến pháp Nga được chuẩn bị trên cơ sở các đề nghị của nhóm làm việc chuyên môn về sửa đổi Hiến pháp Nga do Tổng thống quyết định thành lập.

Các sửa đổi hướng đến tăng cường mức độ hiến định cho các đòi hỏi bắt buộc đối với các quan chức liên quan trực tiếp tới các lĩnh vực về an ninh quốc gia và chủ quyền của đất nước, bao gồm những hạn chế về việc có quốc tịch nước ngoài, giấy phép cư trú hoặc các giấy tờ khác xác nhận việc cư trú thường xuyên của công dân Nga trên lãnh thổ quốc gia khác.

Theo đó, cần phải đưa vào quy định với các ứng viên Tổng thống Nga cần phải cư trú thường xuyên trên lãnh thổ Nga ít nhất 25 năm, không có quốc tịch nước ngoài, không có giấy phép thường trú hoặc các giấy tờ khác xác nhận việc cư trú thường xuyên của công dân Nga tại lãnh thổ nước ngoài trong thời điểm bầu cử hoặc bất kỳ thời điểm nào khác trước đó.

Các yêu cầu bắt buộc tương tự (ngoại trừ việc bắt buộc phải cư trú thường xuyên tại Nga ít nhất 25 năm) cũng được đặt ra cho các ứng viên vào các chức vụ khác của cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp, lãnh đạo chính quyền địa phương.

Tổng thống Nga cũng kiến nghị sửa đổi điều 75 Hiến pháp hiện hành, theo đó đưa vào quy định về mức lương tối thiểu, các bảo đảm hưu trí, trợ cấp xã hội và hỗ trợ khác trên cơ sở các nguyên tắc căn bản của đảm bảo hưu trí toàn diện chung trên toàn quốc.

Để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các nhánh hành pháp và lập pháp, tăng cường vai trò của Duma Quốc gia Nga và các đảng chính trị trực thuộc, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các thành viên chính phủ, Tổng thống Nga kiến nghị sửa đổi Hiến pháp hiện hành về thủ tục bổ nhiệm thủ tướng và thành viên nội các.

Đối với Hội đồng Liên bang, Tổng thống Nga kiến nghị sửa đổi Hiến pháp hiện hành để cơ quan lập pháp này tham gia vào việc bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan hành pháp mà ban lãnh đạo của các cơ quan này do Tổng thống quyết định, cũng như tham gia vào việc bổ nhiệm công tố của các chủ thể LB Nga. Theo đó, các quyết định bổ nhiệm được thực hiện sau khi có tham vấn với Hội đồng Liên bang.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga kiến nghị cho phép bổ sung thẩm quyền của Hội đồng Liên bang đối với việc đề nghị tổng thống chấm dứt thẩm quyền của các thẩm phán Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao và các Tòa án cấp dưới trong trường hợp phát hiện các vấn đề gây tổn hại tới danh dự và phẩm giá của họ cũng như trong các trường hợp khác, theo luật liên bang, cho thấy các thẩm phán không thể thực thi thẩm quyền của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục