Dự thảo sửa đổi luật thuế: Tiếng nói từ doanh nghiệp

17:14' - 14/09/2017
BNEWS Ngày 14/9 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế".

Hội thảo với sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế; giới luật sư, đại diện các hiệp hội và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: BNEWS/TTXVN

5 dự thảo luật thuế được đưa ra thảo luận tại hội thảo là Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên.

Nhận định về tính cấp thiết xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, hệ thống chính sách thuế ban hành trong thời gian qua đã cơ bản đạt được mục tiêu, yêu cầu của thực tiễn.

Tuy nhiên, cần sự thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, cũng nhằm mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hiện nay.

Các dự thảo luật thuế mới cần được sửa đổi, bổ sung và đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế; đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho người nộp thuế; đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với xu hướng pháp triển, các cam kết quốc tế và những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia quá trình đàm phán để ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Qua đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và tăng việc làm cho người lao động, chống thất thu ngân sách Nhà nước, chống gian lận thương mại, chuyển giá..., ông Tuấn nêu rõ.

Đại diện các doanh nghiệp ngành đồ uống, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, các thay đổi về chính sách thuế đều có tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Chính sách thuế phù hợp sẽ tạo điều kiện khuyến khích sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu và sự ổn định của chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Ngược lại, theo ông Vỵ, chính sách thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.

Chính vì thế, đề xuất các nội dung chính sách, pháp luật cần có sự đánh giá tác động các mặt của xã hội, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của từng dự án luật.

Chỉ có đánh giá đầy đủ các tác động thì cơ quan xây dựng luật và các cơ quan thẩm tra, ban hành luật mới có đủ cơ sở tiến hành.

Ông Vỵ nêu rõ, các doanh nghiệp trong ngành giải khát sẽ phải chịu nhiều loại thuế với mức tăng và bổ sung. Cụ thể, thuế VAT tăng từ 10% lên 12%; thuế tiêu thụ đặc biệt đối vơi doanh nghiệp sản xuất nước ngọt là 10%; thuế suất VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng mới đưa ra được 3 cơ sở để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt mà theo ông Vỵ là không thuyết phục; các từ ngữ sử dụng trong dự thảo luật cũng chưa rõ ràng.

Do đó, đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính cần có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, có cơ sở biện chứng rõ ràng về những ảnh hưởng đối với nền kinh tế và với ngành sản xuất nước giải khát.

Hơn nữa việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với tất cả các hàng hóa thực phẩm có chứa đường ở mức chỉ nên từ 1% đến 3%; đồng thời làm rõ khái niệm "nước rau quả, nước trái cây 100% tự nhiên"; "sữa và các sản phẩm từ sữa".... để xem xét việc có bị áp thuế hay không?

Là một trong những doanh nghiệp tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo luật, đại diện Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo cũng có kiến nghị sửa đổi biểu thuế thu nhập cá nhân và đề nghị không thu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập dưới 10 triệu đồng để đảm bảo chi phí trang trải nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho người lao động.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Tài chính cần hướng dẫn thống nhất nguyên tắc xắc định giá trị tính thuế tài nguyên theo quy định.

Vì giá tính thuế tài nguyên đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra thì phải được trừ các chi phí có liên quan từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu xuất khẩu hoặc từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu bán tại thị trường trong nước.

Liên quan tới việc điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính không điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng, cân nhắc sự phù hợp giữa thu nhập bình quân của người dân Việt Nam với nền kinh tế chung của khu vực, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bám trụ và có cơ hội phát triển.

Về quy định hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ông Bùi Gia Anh cũng kiến nghị không nên áp dụng.

Vì quy định này sẽ gây tăng chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ như chi phí chuyển tiền, chi phí nhân công thực hiện.

Các doanh nghiệp nhỏ thường có nhiều giao dịch loại này sẽ gặp khó khăn lớn trong kinh doanh. Vì thế, đề nghị giữ nguyên mức cũ là trên 20 triệu đồng.

Ngoài ra, dự thảo luật quy định tăng thuế suất giá trị gia tăng lên 12% cũng sẽ tác động mạnh tới ngành bảo hiểm khi nhiều người dân không đủ năng lực tài chính để tham gia bảo hiểm, ảnh hưởng tới an sinh xã hội và giảm khả năng phát triển của thị trường.

Vì vậy ông Gia Anh kiến nghị không tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục