Dự thảo ngân sách 2018 của Tổng thống Trump có đe dọa "Hành tinh xanh"? (Phần 2)

10:03' - 09/04/2017
BNEWS Một số nhà hoạt động môi trường đã nhanh chóng phản đối dự thảo ngân sách của Tổng thống Trump với đề xuất giảm mạnh chương trình nghiên cứu khoa học, môi trường trong khi tăng chi tiêu quốc phòng.
Tân Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: AFP/TTXVN

Dư luận về dự thảo ngân sách 

Đề cập đến đề xuất cắt giảm 31% chi tiêu cho EPA trong dự thảo ngân sách, Phó Giám đốc về quan hệ chính phủ tại Tổ chức Bảo tồn đại dương Addie Haughey cho rằng thông điệp của dự thảo ngân sách mà Nhà Trắng muốn gửi đến là "đại dương của chúng ta - động lực thúc đẩy nền kinh tế trị giá 359 tỷ USD và hỗ trợ hàng triệu người dân - đơn giản không phải là một ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump".

Theo chuyên gia này, kế hoạch trên cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, kế sinh nhai và sự an toàn của hàng trăm nghìn người dân ở vùng duyên hải trải dài từ Alaska đến Hawaii, từ bang Oregon đến bang Florida.           

Trong khi đó, Phó Chủ tịch cấp cao thuộc Nhóm vận động Oceana, bà Jacqueline Savitz cũng kêu gọi Quốc hội bác bỏ dự thảo ngân sách trên, cho rằng đề xuất cắt giảm trên có thể làm tê liệt các cơ quan chủ chốt như Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) và Đội Bảo vệ bờ biển, cũng như sẽ phá hỏng những nỗ lực trong suốt hàng thập kỷ bảo vệ đại dương.

Theo bà Savitz, những cơ quan liên bang này với ngân sách được tài trợ sẽ cho phép các điều luật về bảo tồn đại dương có thể quản lý nghề đánh bắt cá, bảo vệ các sinh vật biển có vú và các loài bị đe dọa, bảo tồn môi trường biển, làm sạch dầu trong các sự cố tràn dầu và nhiều lợi ích khác.

Hiện Mỹ tài trợ 22% trong khoản ngân sách hoạt động trị giá 5,4 tỷ USD của LHQ, là nhà tài trợ lớn nhất trong số 193 quốc gia thành viên của tổ chức này.

Ngoài ra, Mỹ còn tài trợ cho một số tổ chức liên quan như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nơi theo dõi việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), và khoảng 10 tổ chức nữa. Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất cho IAEA, khoảng 200 triệu USD mỗi năm, chiếm 25% ngân sách thường xuyên.

Trong tuyên bố của mình, Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết ông cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với LHQ để tiến hành các cuộc cải cách, song cảnh báo rằng những thay đổi đột ngột có thể phá hỏng nỗ lực cải cách.

Ông nói: "Việc giảm ngân sách đột ngột có thể buộc LHQ phải thực thi những biện pháp khắc khổ gây phương hại tới những nỗ lực cải cách lâu dài".

Một số nhà ngoại giao và quan chức LHQ cho rằng Trung Quốc, nước đã tăng các khoản đóng góp cho LHQ trong ba năm qua, có thể nổi lên là nhà cung cấp kinh phí hàng đầu cho các chương trình gìn giữ hòa bình và khí hậu.

Tổng thống Trump sẽ xem lại sắc lệnh về Kế hoạch năng lượng sạch. Ảnh: Inhabitat

Cơ hội của Trung Quốc

Bị coi là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới và trong một thời gian dài lưỡng lự về chủ đề này, Trung Quốc đã thay đổi triệt để lập trường. Trong kế hoạch 5 năm đưa ra gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư khoảng 361 tỷ USD từ nay đến năm 2020 vào các nguồn năng lượng tái tạo. Mục tiêu là tạo ra 13 triệu việc làm. 

Gabrielle Desarnaud, chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm năng lượng thuộc Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), nhận xét: “Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cho phép Bắc Kinh thu hút nguồn nhân lực bị cắt giảm từ ngành than và giảm bớt các khó khăn kinh tế mà họ đang phải đối phó hiện nay”.

Nhưng chính sách của Mỹ hiện nay lại đi theo hướng ngược lại. Nếu như Trung Quốc coi các nguồn năng lượng tái tạo là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế, thì Mỹ có ý định tiếp tục sử dụng than và dầu mỏ.

Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã cho phép mở lại hồ sơ đường ống dẫn dầu Keystone XL, có khả năng vận chuyển 830.000 thùng dầu/ngày. Tổng thống Mỹ cũng quyết định xem lại sắc lệnh về Kế hoạch năng lượng sạch.

Dự luật này được đệ trình dưới thời Barack Obama, hứa hẹn sẽ giảm tỷ trọng than từ 39% xuống 27% trong rổ nhiên liệu của Mỹ, đồng thời thúc đẩy phát triển năng lượng gió và Mặt Trời.

Không ai có thể bác bỏ rằng Trump có quan điểm hoài nghi về biến đổi khí hậu. Năm 2012, ông đã gọi biến đổi khí hậu là một chuyện vớ vẩn, do Trung Quốc đưa ra để làm suy yếu nền công nghiệp Mỹ.

Nhưng trong lĩnh vực này, ông Trump cũng có những tuyên bố lẫn lộn. Ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu Chủ tịch Exxon Mobil, một tập đoàn từ lâu đã nói chưa đúng về tác động từ các hoạt động của họ đối với khí hậu, đã thừa nhận trong cuộc điều trần bổ nhiệm tại Thượng viện rằng biến đổi khí hậu là có thật và cần phải có các biện pháp để nhanh chóng đối phó.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc hiện rất chú ý tới những chính sách của Chính quyền Donald Trump, mà có thể làm xáo trộn cán cân sức mạnh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, để cố gắng tranh thủ nhằm khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế./.

>>>Dự thảo ngân sách 2018 của Tổng thống Trump có đe dọa "Hành tinh xanh"? (Phần 1)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục