Dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai làm "nóng" kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội

18:19' - 06/12/2018
BNEWS Chiều 6/12, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Hà Nội đã tiến hành chất vấn, tái chất vấn các thành viên UBND thành phố về quản lý dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.

Theo UBND thành phố Hà Nội, năm 2018, thành phố đã chỉ đạo về việc kiểm tra, theo dõi, xử lý đối với 39 dự án bị chấm dứt hoạt động, vi phạm pháp luật về đất đai. Đồng thời, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, rà soát đối với 383 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai.
Với 39 dự án dừng triển khai, chấm dứt hoạt động, tính đến ngày 15/11, thành phố đã chấm dứt hoạt động theo quy định đối với 16 dự án. Cùng đó, chấm dứt hoạt động của nhà đầu tư cũ và giao nhà đầu tư khác thực hiện thu hồi hoặc để quản lý đối với 4 dự án; 14 dự án đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động và 5 dự án đang rà soát, kiểm tra.
Với 383 dự án chậm triển khai, có 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại để xử lý theo quy định của pháp luật. Con số 295 dự án còn lại đã được giao đất, cho thuê đất; trong đó có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với cùng sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại để tổ chức thanh tra, báo cáo kết quả trước tháng 7/2019.
Khi thực hiện các quyết định thu hồi đất vi phạm không tránh khỏi những khó khăn như: phần lớn các đối tượng sử dụng đất bị thu hồi không hợp tác với ngành chức năng, đơn vị được giao đất; không phối hợp, cung cấp tài liệu hồ sơ, bàn giao đất và nhà xưởng.

Một số UBND cấp huyện chậm ban hành quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, quyết định thành lập tổ công tác làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với tài sản, công trình trên đất bị thu hồi.

Cùng đó, việc xác định chủ sử dụng tài sản trên đất gặp nhiều khó khăn; tổ chức sử dụng đất vi phạm yêu cầu bồi thường, hỗ trợ về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tài sản đã đầu tư vào đất khi thành phố thu hồi đất theo quy định…
Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ đại biểu quận Hoàng Mai) đề nghị UBND báo cáo rõ kết quả rà soát các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Tiếp xúc cử tri tại quận Hoàng Mai cho thấy, nhiều vụ việc về đất đai kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết, một số vụ việc kéo dài rất khó xử lý - đại biểu này dẫn chứng. Đồng thời, đề xuất thành lập một hội đồng có đầy đủ các thành phần giải quyết dứt điểm những vụ việc này.
Đại biểu Nguyễn Thế Vinh (tổ đại biểu quận Đống Đa) đề xuất xây dựng trang thông tin điện tử đăng tải thông tin cụ thể về danh sách, về tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố để thu hút đầu tư, tránh việc nhiều nhà đầu tư có đất nhưng thiếu năng lực và ngược lại.
Đại biểu Lê Vĩnh Sơn (tổ đại biểu huyện Đông Anh) đề cập đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các dự án. Theo ông Lê Vĩnh Sơn, tại phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố đã báo cáo hết quý III/2018 sẽ hoàn thành xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với 26 dự án được điều chỉnh quy hoạch nhưng chưa xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 7/26 dự án chưa xác định xong nghĩa vụ tài chính. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của Sở và đưa ra thời hạn xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung của các dự án này.
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, sau đợt giám sát và phiên giải trình của UBND thành phố, các sở, ngành thành phố đã tích cực triển khai công việc.

Đến nay, thành phố đã thanh tra 280 dự án, có quyết định thu hồi đất 6 dự án, báo cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra 4 dự án, hiện đang hoàn thiện cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra, kiểm tra đối với 186 dự án. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục thanh tra và phân loại các dự án chậm triển khai có dấu hiệu vi phạm để báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố vào quý II/2019.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng bổ sung, sau quá trình giám sát của HĐND, UBND thành phố đã tích cực vào cuộc. Các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng đất đã có ý thức, trách nhiệm hơn, tạo động lực phát triển.

Việc chậm triển khai dự án không chỉ do doanh nghiệp chây ì mà còn là trách nhiệm chung của các ngành, cấp trong thành phố. Hà Nội sẽ tiếp tục xem xét, tìm cách tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án một cách thuận lợi nhất; đồng thời cương quyết thu hồi các dự án mà chủ đầu tư cố tình vi phạm, trì hoãn.
Khẳng định qua phiên chất vấn, việc lựa chọn tái giám sát và ra Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội là đúng, trúng, đáp ứng mong muốn của cử tri và đại biểu, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND thành phố nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội./.
Xem thêm:

>>Khởi tố, bắt tạm giam các bị can vi phạm các quy định về quản lý đất đai

>>Hà Nội: 16 dự án chấm dứt hoạt động do vi phạm Luật Đất đai

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục