Đợt 1 lấy nước cho vụ Đông Xuân đạt cao hơn kế hoạch từ 15-25%

15:42' - 24/01/2020
BNEWS Đợt 1 lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã thực hiện đúng kế hoạch.
Nông dân huyện Quảng Điền cấy lúa đông xuân. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các đợt tiếp theo sẽ phải cấp nước cho khoảng 45% diện tích còn lại. Do đó, đợt lấy nước lần thứ 2, các địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh việc lấy nước, làm đất để kịp thời vụ gieo cấy.
Trong thời điểm này, mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội sẽ đạt từ 2,1 – 2,2m, các công trình lấy nước từ sông Hồng sẽ lấy nước thuận lợi để cơ bản cấp đủ nước cho sản xuất.

Phương châm là phải tích cực lấy nước để đảm bảo sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng phải dự trữ nước cho phát điện vào tháng 3 – 4, tháng đỉnh điểm của mùa hạn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.
Theo Tổng cục Thủy lợi, diện tích có nước tính đến kết thúc đợt 1 là 286.100 ha, đạt 54% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Cụ thể, Hà Nam 84,7% diện tích gieo cấy của tỉnh có nước; Nam Định 74,2%; Phú Thọ 72,4%; Ninh Bình 60,1%; Thái Bình 55,5%; Hải Phòng 54,5%; Vĩnh Phúc 43,12%; Hà Nội 39,7%; Bắc Ninh 38,6%; Hải Dương 38,42%; Hưng Yên 34,1%.
Để chủ động thích ứng với tình trạng dòng chảy bị thiếu hụt, các địa phương đã chủ động vận hành công trình lấy nước sớm và tăng cường lắp đặt trạm bơm dã chiến nên diện tích có nước trước đợt 1 lấy nước ở mức tương đối cao (trung bình 33,3%).
Kết thúc đợt 1 lấy nước, diện tích có nước đạt cao hơn kế hoạch từ 15-25%, cao hơn khoảng 20-30% so với một số năm gần đây (năm 2018 là 29,5%, năm 2017 là 22,22%, năm 2015 là 34,7%) và tương đương năm 2019 (năm thuận lợi do có mưa trước đợt 1 lấy nước). Việc vượt tiến độ lấy nước đợt 1 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoàn thành sớm kế hoạch lấy nước chung của toàn vùng.
Theo Tổng cục Thủy lợi, việc duy trì dòng chảy ở mức 1,6m tại Hà Nội đã bảo đảm yêu cầu đẩy mặn cho các công trình vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn lấy nước tương đối thuận lợi.

Thực tế, tuy tổng thời gian các công trình lấy nước vùng triều đủ điều kiện vận hành giảm khoảng 2-4 giờ so với việc xả nước ở mức cao như các năm trước đây, nhưng vẫn bảo đảm cấp nước đạt tiến độ.

Bên cạnh đó, dòng chảy tạo điều kiện thuận lợi cho các trạm bơm đã được nâng cấp hạ thấp cao trình hút và các trạm bơm dã chiến ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội vận hành lấy nước. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt 1 là 1,11 tỷ m3 nước.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)  cho biết, trong đợt 1 EVN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo đúng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu lấy nước của các địa phương.
Giữa đợt 1 và đợt 2, EVN mong muốn các đơn vị, địa phương tiếp tục tích cực lấy nước để lượng nước tổng 3 đợt xả không quá so với kế hoạch, đảm bảo hiệu quả tối ưu trong các đợt lấy nước.
Ông Ngô Sơn Hải cho biết, nước về các hồ trên nhánh sông Đà rất kém, có thể nói là chưa bao giờ nước về kém như hiện nay. EVN tiếp tục theo dõi diễn biến nước để có sự điều chỉnh ở các nhà máy thủy điện trong các đợt xả để đảm bảo tối ưu, hiệu quả. Nếu lượng nước xả vẫn trong kế họach thì EVN phấn đấu đảm bảo cung cấp điện trong các tháng còn lại của mùa khô.
Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương sau đợt 1 lấy nước tiếp tục đưa nước lên ruộng từ nguồn nước đã tích trữ trong ao, hồ, vùng trũng, hệ thống kênh mương. Dự kiến diện tích có nước sẽ tăng thêm khoảng 10-15%.   
Đợt 2 lấy nước sẽ bắt đầu thực hiện theo đúng kế hoạch (từ ngày 5/2). Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tăng cường phát điện trước khoảng 2-3 ngày. Đây là đợt lấy nước chính, dòng chảy duy trì ở mức cao nên các công trình thủy lợi sẽ có điều kiện thuận lợi để lấy nước.

Dự kiến, kết thúc đợt 2, hầu hết các địa phương sẽ cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước, trừ một số khu vực thuộc thành phố Hà Nội (các huyện Mê Linh, Phúc Thọ, Thạch Thất) và tỉnh Bắc Ninh (các huyện Tiên Du, Từ Sơn...).
“Trường hợp tiến độ lấy nước vượt dự kiến, đợt 2 có thể được xem xét điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện, đồng thời bảo đảm các địa phương chưa hoàn thành kế hoạch tiếp tục lấy nước”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết.
Bên cạnh việc tích cực các biện pháp lấy nước, việc đẩy mạnh cơ giới hóa cũng đang là đòi hỏi bức bách, tất yếu của khu vực này, vì lao động không còn dồi dào như xưa, đây cũng là giải pháp thâm canh, đảm bảo thời vụ tốt hơn.

Thời gian tới, các địa phương cần tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp. Điều này sẽ góp phần phát triển nhanh các hợp tác xã chuyên môn hóa để đảm bảo hiệu quả canh tác cao nhất trên thửa đất nhỏ hình thành vùng sản xuất lớn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.
Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương đang có diện tích đủ nước thấp và nhiều diện tích khó cấp nước như Hà Nội, Bắc Ninh cần rà soát các diện tích gieo cấy khả năng bị thiếu nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến và thực hiện các phương án bổ sung nguồn nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục