Đồng tiền của các nước mới nổi bị “vạ lây” vì khủng khoảng đồng lira

11:32' - 14/08/2018
BNEWS Giới phân tích cho rằng dù tình cảnh khốn khó của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn là vấn đề nội tại của nước này, nhưng diễn biến đó cũng đang khiến các nước mới nổi bị “vạ lây”.

Đồng tiền của các các nước mới nổi cũng đang “lao dốc” trước những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lan rộng.
Diễn biến này đang làm dấy lên quan ngại về nguy cơ tái diễn sự kiện năm 1997, thời điểm đồng baht của Thái Lan không ngừng trượt giá và kéo theo đó là cuộc khủng hoảng tiền tệ tại các nền kinh tế châu Á.

Chỉ trong tuần vừa qua, đồng rand của Nam Phi và đồng ruble của Nga đều đã mất khoảng 8% so với đồng USD, trong khi đồng real của Brazil giảm 4% và đồng peso của Argentina giảm gần 6%.

Cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, các nước này phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn nước ngoài, đặc biệt là đồng USD.
Sự biến động trong đồng tiền của các nước mới nổi thường thể hiện mức độ tin tưởng của giới đầu tư đối với khả năng trả nợ nước ngoài của chính phủ các nước này.

Ông Yusuke Tanaka, một quan chức cấp cao của Mitsubishi UFJ Trust and Banking, cho rằng các thị trường mới nổi nhìn chung không hấp dẫn tại thời điểm này do họ nợ nước ngoài nhiều.

Chỉ số MSCI tổng hợp khoảng 20 đồng tiền của các nước mới nổi đang ở mức tồi tệ nhất trong năm nay. Theo chuyên gia phân tích Agathe Demarais của Economist Intelligence Unit, việc chuyển hướng từ các thị trường mới nổi sang các nước phát triển được xem là an toàn hơn là một phản ứng điển hình của giới đầu tư.
Trong đó, đồng USD là một kênh "trú ẩn" an toàn mà các nhà đầu tư thường tìm đến, từ đó đẩy “đồng bạc xanh” tăng cao hơn nữa trong khi các đồng tiền mới nổi tiếp tục đi xuống và vì vậy mà tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn.
Theo lý thuyết thì tình hình hiện nay đòi hỏi chính phủ cần nâng lãi suất để bảo vệ đồng tiền của nước mình, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất mực khước từ, khi Tổng thống Recep Tayyip dường như đang “trói” ngân hàng trung ương nước này.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 13/8 đã hối thúc Ankara đảm bảo sự độc lập của Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.
Thậm chí trước khi cuộc khủng hoảng hiện tại xảy ra, thị trường tiền tệ quốc tế đã bắt đầu quay lưng với các đồng tiền mới nổi, khi ngân hàng trung ương của các nước phát triển, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, bắt đầu nâng lãi suất khi nền kinh tế của họ dần cải thiện.
Các thị trường tài chính hiện đang đón đợi bước đi tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi các biện pháp được công bố hôm 13/8 đã không làm được gì nhiều trong việc làm dịu tình hình.

Giới phân tích cho rằng khả năng sẽ có một đợt nâng lãi suất, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng có thể dang tay cứu giúp Ankara với một khoản cho vay, như theo cách mà Argentina gần đây đã đàm phán một khoản vay trị giá 50 tỷ USD với IMF để chặn đứng đà giảm của đồng peso sau khi đồng tiền nay lao dốc đến 35% chỉ trong vòng từ tháng 4-6 vừa qua.
Theo nhận định của nhà kinh tế hàng đầu thế giới thuộc Capital Economics, ông Andrew Kenningham, việc đồng lira trượt giá, bắt đầu từ tháng 5/2018, rõ ràng đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tình trạng suy thoái và điều này hoàn toàn có thể gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng.
Dù lo ngại về Thổ Nhĩ Kỳ và các nền kinh tế mới nổi khác, nhưng giới đầu tư tỏ ra vẫn tin tưởng rằng các nền kinh tế phát triển, trong đó có Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone), không cần phải quá lo sợ.

Chuyên gia kinh tế Holger Schmieding của Ngân hàng Berenberg Bank nhận định rằng Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia chiếm khoảng 1% GDP toàn cầu, sẽ không gây ra một loạt các cuộc khủng hoảng tồi tệ ở các nước mới nổi đến mức mà tác động cộng hưởng của chúng có thể làm giảm đáng kể tăng trưởng của các nước phát triển.

>>>Đồng lira xuống thấp kỷ lục gây áp lực lên chứng khoán Âu - Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục