Đồng Nai xanh hóa sản xuất và thu hút đầu tư có chọn lọc

09:16' - 05/05/2019
BNEWS Xanh hóa sản xuất và thu hút đầu tư có chọn lọc là mục tiêu mà tỉnh Đồng Nai đặt ra cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Ngành nông nghiệp Đồng Nai đã giảm tỷ trọng còn 8%, công nghiệp 60% và dịch vụ 32%. Ảnh minh họa: Lê Sen - TTXVN

Từ một địa phương phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với tỷ trọng chiếm 57,5%, công nghiệp chỉ chiếm 18,2% (năm 1985), đến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh Đồng Nai đã thay đổi.

Ngành nông nghiệp đã giảm tỷ trọng còn 8%, công nghiệp 60% và dịch vụ 32%. Đây là kết quả của quá trình sau giai đoạn phát triển kinh tế theo chiều rộng nhằm giải quyết công ăn việc làm và các vấn đề xã hội, tỉnh Đồng Nai đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, theo mô hình kinh tế tri thức với hàm lượng công nghệ cao.
Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã có 32 khu công nghiệp đi vào hoạt động với quy mô giá trị sản xuất công nghiệp tăng 200 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 16 lần, phát triển từ 1 khu công nghiệp đầu tiên.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.901 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 34,1 tỷ đô la Mỹ (USD); trong đó, số dự án còn hiệu lực là 1.400 dự án tổng vốn 28,9 tỷ USD. Các dự án đầu tư FDI của các nhà đầu tư đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó dẫn đầu là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore…
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết, các dự án FDI được bố trí khắp các địa phương, nhưng tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp và các địa bàn trọng điểm tạo thành các vùng kinh tế động lực, kéo theo sự phát triển kinh tế -xã hội chung và các vùng phụ cận.
Ngành nghề đầu tư của các dự án FDI đa dạng, với quy mô và trình độ công nghệ khác nhau; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 84% tổng nguồn vốn FDI; ngành nông nghiệp chiếm 1,5% vốn; thương mại dịch vụ chiếm 3,5%; lĩnh vực bất động sản chiếm 12%.
Theo ông Võ Văn Chánh, hoạt động của các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng 37% tổng giá trị gia tăng của tỉnh, 62% giá trị sản lượng công nghiệp và chiếm tới 91% kim ngạch xuất khẩu.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Đồng Nai, các dự án FDI là nhân tố quan trọng để tỉnh phát triển các khu công nghiệp. Hiện nay trên địa bàn Đồng Nai có 35 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch; trong đó 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 10.242ha, với tỷ lệ cho thuê chiếm gần 77%, thu hút 85,5% vốn đầu tư FDI trên địa bàn.
Bên cạnh đó, kinh tế FDI còn giúp thúc đẩy phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, với nhiều công trình giao thông trọng điểm của quốc gia đã và đang xây dựng như: tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành Dầu Giây; cao tốc Bến Lức – Long Thành; Dầu Giây – Phan Thiết; Dầu Giây – Liên Khương; hệ thống cụm cảng biển dọc sông Đồng Nai, Thị Vải; cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Xanh hóa sản xuất và thu hút đầu tư có chọn lọc là mục tiêu mà tỉnh Đồng Nai đặt ra cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Chánh cho biết, trong những năm gần đây Đồng Nai “nói không” với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, những dự án sử dụng nhiều lao động.

Chủ trương của tỉnh là ưu tiên các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các dự án đầu tư chiều sâu, nâng cấp thiết bị công nghệ, dự án thân thiện với môi trường; mời gọi các dự án công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam; giảm nhập siêu, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các khu công nghiệp chuyển sang phát triển theo hướng đô thị - công nghiệp - dịch vụ, góp phần hình thành từng bước các chuỗi đô thị hiện đại, phát triển đồng bộ, ưu tiên đầu tư phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành.
Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết, đối với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tỉnh kiên quyết từ chối. Điển hình như những dự án dệt nhuộm sẽ không cấp phép đầu tư vào các vùng đô thị như Biên Hòa vì sẽ gây ô nhiễm cho sông Đồng Nai nơi đang cung cấp nước cho hàng chục triệu người.
“Công nghiệp phát triển nhanh, nhưng nếu không khéo sẽ là mối nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, Đồng Nai đang đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hàm lượng khoa học, tri thức cao”, ông Cường cho biết.
Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng tăng trưởng kinh tế của địa phương đang hướng tới mô hình hiện đại, tức là đặt các mục tiêu chất lượng như: cơ cấu, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, vị thế của nền kinh tế… lên vị trí ưu tiên hàng đầu so với mục tiêu tăng trưởng theo chiều rộng, ưu tiên về sản lượng.

Nói cách khác đó là điều chỉnh tư duy phát triển từ theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá sang phát triển hiệu quả và bền vững./.

>>> Doanh nghiệp cải tiến công nghệ để tiết giảm điện năng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục