Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế năm 2020?

17:26' - 01/01/2020
BNEWS Nhiều đại biểu Quốc hội đã chia sẻ với phóng viên BNEWS/TTXVN về những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Các robot hoạt động tại nhà máy Vinfast ở Hải Phòng. Ảnh: Bloomberg

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019 khép lại với xu hướng tăng trưởng khá tích cực của nền tảng kinh tế vĩ mô.

Điều  này được nhận định sẽ tạo đà đi lên trong năm 2020. Tuy nhiên, sự bất định của kinh tế thế giới và khó khăn tiềm ẩn trong nội tại nền kinh tế là yếu tố cần thận trọng trong năm tới.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 - năm cuối cùng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 theo hướng ổn định và bền vững.

* Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn): Để thể chế theo kịp thực tiễn

Năm 2019, bên cạnh những thiên tai, dịch bệnh liên quan đến ngành lâm nghiệp, chăn nuôi lại có những vấn đề liên quan đến bão lũ, nhưng cũng có nhiều yếu tố để mở rộng thị trường.

Cùng với đó, đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng vừa là cơ hội vừa là thách thức để Việt Nam có thể phát triển. Hơn nữa, việc các nước yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước.

Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc chủ động dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các ngành có liên quan đã tạo được một hiệu ứng rất tốt để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019. Đây cũng là tiền đề để năm 2020 phát triển, dù đó là một năm cũng nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng và một số bộ, ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, công thương, hiện nay hoạt động của doanh nghiệp phát triển rất tốt, nhất là trong xuất nhập khẩu, chế biến nông, lâm, thủy sản...

Ngoài ra, sự vào cuộc sáng tạo của các doanh nghiệp mới, nhất là những lĩnh vực liên quan đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo được những thị trường, lĩnh vực mới cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận. Đó là tiền đề tốt và là yếu tố rất quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam có khả năng hội nhập và bắt kịp được khi có điều kiện.

Theo tôi, hiện nay hệ thống thể chế còn rất nhiều bất cập bởi sự phát triển của kinh tế quá nhanh dù Việt Nam đã chú trọng cải cách thể chế nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển.

Báo cáo của Chính phủ về cải cách cũng chỉ ra đã cắt giảm được bao nhiêu nghìn thủ tục hành chính nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về phát triển của doanh nghiệp bởi nhiều quy định bị ràng buộc giữa các luật còn chồng chéo.

Điển hình là sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công, một trong nguồn lực rất quan trọng để tạo nền tảng thúc đẩy nền kinh tế thì các quy định vẫn chưa theo kịp thực tế.

Ngoài ra, chất lượng, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ và đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Đáng lưu ý, Việt Nam phải có chính sách thúc đẩy mạnh hơn sự phát triển của lĩnh vực y tế tư nhân để khu vực này đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế.

Trên thực tế, khu vực tư  nhân đã đóng góp được 30% tổng giá trị xã hội, nhưng tiềm năng lợi thế của khu vực này còn rất lớn mà Chính phủ cần có chính sách rõ ràng hơn để thúc đẩy, khơi thông được nguồn lực và cũng là khơi thông nguồn vốn xã hội, nguồn vốn tài chính để đóng góp cho sự phát triển.

Tôi cho rằng, năm 2020 Việt Nam sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm cho phát triển và hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì quan trọng nhất là vốn con người. Bởi, con người Việt Nam rất thông minh, sáng tạo và có đủ tầm vóc, trí tuệ để hội nhập với thế giới.

Bên cạnh đó, khoa học - công nghệ là một điểm then chốt trong việc phát triển những ngành và lĩnh vực mới, nhất là sự phát triển học kỹ thuật của thế giới hiện nay.

Đặc biệt, cần khai thác tốt văn hóa vì sản phẩm của Việt Nam mang đậm nét văn hoá và giá trị độc đáo mà thế giới ghi nhận.

Cuối cùng là bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững cả về nguồn lực con người, nguồn lực xã hội và giải quyết tốt những vấn đề xã hội.

* Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Để đạt được các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, thu ngân sách nhà nước năm 2019, tôi đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ và sự nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ của các địa phương.

Phải nói rằng, Việt Nam đã tận dụng được thời cơ và cơ hội để đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu cũng như từng lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm và các công trình dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.

Bên cạnh ngân sách dành cho đầu tư ít, việc phân bổ cũng chậm và vướng mắc trong thủ tục đã từng bước kéo chậm lại việc giải ngân vốn. Do đó, trong năm 2020 nếu việc giải ngân vốn đầu tư công không được cải thiện và thúc đẩy thì sự phát triển sẽ bị kìm hãm.

Vì vậy, tôi mong muốn đầu tư công phải được Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa để có thể sử dụng hiệu quả và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Mặt khác, dù đã cải thiện về thủ tục hành chính nhưng doanh nghiệp và người dân vẫn kêu ca về sự phiền hà và rườm rà. Điều này cũng là tác nhân góp phần kìm hãm sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết kế hoạch 5 năm 2016-2020 nên Chính phủ sẽ phải rà soát lại và có những biện pháp điều hành phù hợp.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần có những đánh giá về kế hoạch và tập trung ở điểm nào để đạt được những kết quả chung. Đây là giai đoạn cuối nên các giải pháp tổng hợp là một yêu cầu quan trọng để tăng trưởng kinh tế.

* Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Đưa kinh tế tư nhân thành trụ cột kinh tế

Mặc dù tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2019 đạt khá cao, nhưng để bền vững và chất lượng tốt thì theo tôi đó là vấn đề cốt lõi cần được quan tâm.

Những năm qua, Việt Nam luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá cao trên thế giới, nhưng nếu chỉ giữ tăng trưởng từ 6,5-7% thì Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở mức thu nhập trung bình và khoảng cách về giá trị thu nhập giữa Việt Nam so với các nước vẫn còn rất lớn.

Do vậy, muốn thực hiện ước vọng về phồn vinh dân tộc thì phải có bước phát triển nhảy vọt, vươn lên tăng trưởng hai con số như đã từng thực hiện.

Có lẽ bên cạnh những việc Việt Nam đang làm hiện nay về huy động các nguồn nội lực thì yếu tố cần đột phá nhiều hơn là khu vực kinh tế tư nhân để trở thành trụ cột kinh tế.

Hầu hết các nước trên thế giới phát triển nhanh phải phụ thuộc vào các Tập đoàn tư nhân lớn và tạo vị thế, chỗ đứng của quốc gia đó về cạnh tranh so với các nước khác.

Yếu tố thứ hai là phải có tăng trưởng vượt bậc qua việc đổi mới sáng tạo; trong đó phải đổi mới trong quản lý công qua việc cắt giảm các thủ tục hành chính, đổi mới cơ chế để không bị ràng buộc bởi các quy định, quy chế mà tiến đến đánh giá hiệu quả của các quyết định.

Nếu làm được điều này sẽ tạo ra đột phá, khuyến khích những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong khu vực công và cả khu vực tư nhân cũng như các khu vực khác phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục