Động lực biến tiến trình toàn cầu hóa trở thành khu vực hóa

05:30' - 17/08/2019
BNEWS Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump phát động kể từ khi lên nắm quyền sẽ đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa trở thành khu vực hóa.
Động lực biến tiến trình toàn cầu hóa trở thành khu vực hóa. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Chuyên mục “Phân tích bình luận” trên trang báo điện tử HK01 nhận định theo số liệu mà Chính phủ Mỹ công bố ngày 2/8, trong sáu tháng đầu năm 2019, Trung Quốc không còn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ mà đã tụt xuống trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của nước này, sau Mexico và Canada. Cùng lúc đó, kim ngạch thương mại của ASEAN đối với Trung Quốc cũng vượt lên trên Mỹ.

Hiển nhiên, sự thay đổi ngôi vị này có một phần tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, đây cũng được coi là một động lực để tiến trình toàn cầu hóa dần biến thành khu vực hóa.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 12%, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm 19%. Có thể thấy rằng giữa bối cảnh xảy ra cuộc chiến thuế quan giữa hai bên, các nhà sản xuất đang dần điều chỉnh chuỗi cung ứng của mình và nếu tình hình tiếp tục tái diễn, việc sụt giảm thương mại song phương sẽ ngày càng rõ rệt hơn.

Tuy nhiên, số liệu báo cáo chỉ là tạm thời và không phản ánh được hết sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Mặc dù kim ngạch thương mại toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, nhưng mức tăng đó đang dần chậm lại, từ 5,1% trong năm 2017 dự kiến giảm xuống còn 2,1% trong năm 2019.

Tạp chí The Economist (Anh) trước đó quan sát thấy có đến 8 trong 12 chỉ tiêu toàn cầu hóa như đầu tư trực tiếp nước ngoài, khoản vay ngân hàng đa quốc gia phản ánh sự sụt giảm trong khoảng giữa năm 2017 đến năm 2018. Từ đó có thể thấy rằng xu hướng toàn cầu hóa trên thực tế đã có dấu hiệu chậm lại trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra.

Nguyên nhân trong đó có rất nhiều, các ngành nghề khác nhau cũng có xu hướng khác nhau. Một trong những yếu tố chính là sự gia tăng của thương mại dịch vụ đa quốc gia. Theo số liệu năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu đạt 17.300 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch thương mại dịch vụ đạt 5.100 tỷ USD.

Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng thương mại dịch vụ tăng nhanh hơn 60% so với thương mại hàng hóa. Đồng thời, theo ước tính của hãng tư vấn McKinsey, giá trị hàng hóa trong thương mại thực sự cũng có 1/3 đến từ mảng dịch vụ. Do vậy, số liệu trên cũng có khả năng bị đánh giá thấp. 

Ngoài ra, sự khác biệt về sở thích hàng hóa giữa các khu vực cũng đã đẩy nhanh xu hướng khu vực hóa. Một ví dụ trong đó là ngành công nghiệp ô tô, do giá dầu giảm trong những năm gần đây, người tiêu dùng Mỹ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến xe tải nhỏ và xe thể thao đa dụng.

Do vậy, hãng ô tô Ford đã từng bước giảm sản xuất các ô tô nhỏ tại Mỹ, trong khi “ông lớn” GM lại rời khỏi thị trường châu Âu, chuyển sang củng cố các hoạt động kinh doanh tại Mỹ.

Sự gia tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến, nhu cầu giao hàng trong ngày và sự đa dạng hóa các ưu đãi sản phẩm cũng khiến mô hình kinh doanh tập trung sản xuất số lượng lớn hàng hóa ở một nơi rồi bán trên toàn cầu dần trở nên lỗi thời.

Trong tương lai, công nghệ sản xuất công nghiệp đa dụng như in 3D ngày càng trở nên hoàn thiện hơn và cũng sẽ đẩy nhanh xu hướng thu hẹp khoảng cách địa lý giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Có thể nói, cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump phát động kể từ khi lên nắm quyền sẽ chỉ càng đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa trở thành khu vực hóa. Trước đây, các nhà kinh doanh sẽ liên tục kéo dài và chia nhỏ chuỗi cung ứng khi cân nhắc đến chi phí, giữa bối cảnh sự phân tầng của các nhà cung cấp thượng nguồn và hạ nguồn ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, nếu một khâu nào đó trong chuỗi cung ứng xuất hiện vấn đề thì nhà sản xuất có thể sẽ không hiểu vấn đề xảy ra ở đâu. Ví dụ, năm 2011, khi Nhật Bản trải qua cơn sóng thần, một nhà sản xuất chất bán dẫn toàn cầu muốn tìm hiểu những rủi ro có thể sẽ gặp phải trong chuỗi cung ứng của họ, cuối cùng 100 nhân viên hành chính phải mất đến hơn một năm để làm rõ các khâu trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Hãng luật hàng đầu thế giới Baker & McKenzie đã đến thăm 600 công ty đa quốc gia ở châu Á, trong đó gần một nửa cho biết họ đang xem xét những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng để từ đó cho thấy mức độ mạnh mẽ của xu hướng này.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng cuộc chiến thương mại của ông Donald Trump nhìn bề ngoài dường như là một cách tấn công quyết liệt vào toàn cầu hóa, nhưng trên thực tế chỉ là một phần của xu hướng khu vực hóa trước đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục