Đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương

08:30' - 16/10/2018
BNEWS Với chiến lược xây dựng các khu cụm công nghiệp tập trung, Bình Dương đã trở thành một địa phương phát triển năng động nhất cả nước về phát triển công nghiệp.
Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bình Dương. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp, với chiến lược xây dựng các khu cụm công nghiệp tập trung làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương đã trở thành một địa phương phát triển năng động nhất cả nước về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư và hạ tầng giao thông.

Khởi đầu từ Khu công nghiệp Sóng Thần 1 từ năm 1995, với quy mô 180 ha, đến nay Bình Dương đã phát triển khá nhanh hạ tầng trong lĩnh vực này. Hiện toàn tỉnh đã có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp tập trung với trên 13.000 ha; trong đó, tỷ lệ cho thuê tại các khu công nghiệp đã đạt trên 72%.

Về quy mô, bình quân diện tích mỗi khu công nghiệp khoảng 336 ha. Khu công nghiệp lớn nhất phải kể đến là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II mở rộng thuộc thị xã Tân Uyên với diện tích 1.008 ha.

Khu công nghiệp nhỏ nhất là khu công nghiệp Bình Đường với diện tích 16,5 ha. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, dự kiến toàn tỉnh sẽ có 35 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 15.000 ha.

Trong những năm qua, tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ của Bình Dương trong GDP tăng dần qua các năm. Cụ thể, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 22,8% (năm 1997) xuống còn 3,74% trong năm 2017; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 50,4% năm 2000 lên 63,99% năm 2017.

Việc phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp tập trung đã thúc đẩy ngành công nghiệp của Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Riêng chỉ trong 9 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Dương tiếp tục tăng trưởng 9,37%, so với với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, đáng chú ý ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,64%, đây là ngành đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp tỉnh Bình Dương, chiếm tỷ trọng 99% toàn ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, chủ trương ưu tiên phát triển các khu công nghiệp tập trung, tạo môi trường thông thoáng thu hút nhanh nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển có chiều sâu, tạo đà cho sự ổn định và bền vững của kinh tế địa phương là mục tiêu xuyên suốt vô cùng quan trọng trên con đường phát triển của tỉnh Bình Dương.

Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh hàng năm luôn tăng ở mức cao; trong đó năm 2017 tăng 9,15% (kế hoạch 8,3%) so với năm 2016.

Thời gian qua, để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, Bình Dương luôn ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông, tạo kết nối thuận lợi với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đã được đầu tư, đưa vào sử dụng như Đại lộ Bình Dương và đặc biệt là đường Mỹ Phước – Tân Vạn, là tuyến đường nối liền các khu công nghiệp của tỉnh với cảng biển, sân bay.

Ngay trong quy hoạch đã hình thành một số khu công nghiệp chất lượng cao, đảm bảo có hệ thống hạ tầng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế như Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Khu công nghiệp Kỹ thuật cao Mapletree, cung cấp đầy đủ tiện ích, tạo điều kiện thu hút hiệu quả các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật cao vào địa phương.

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, việc quy hoạch hình thành, xây dựng và phát triển các khu công nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các thành phần kinh tế vào đầu tư tại Bình Dương; trong đó đáng chú ý nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Trúc, hiện có hơn 1.914 dự án đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vào các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương; bao gồm hơn 1.385 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,1 tỷ USD và 529 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 50.232 tỷ đồng. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, các khu công nghiệp của tỉnh thu hút được 1.448 tỷ đồng, đạt 241,36% kế hoạch năm 2018.

Công nhân làm việc tại khu công nghiệp VSIP. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương đánh giá cao hiệu quả của các dự án đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bình Dương; trong đó các khu công nghiệp được cho là đòn bẩy quan trọng tạo lực đẩy thu hút nguồn vốn FDI vào tỉnh trong suốt hơn 20 năm qua. Đến nay, Bình Dương đã có 3.430 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng mức vốn đầu tư đăng ký đạt trên 30 tỷ USD. Các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế được ưu tiên thu hút đầu tư như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất, thương mại dịch vụ...

Với kết quả này, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Cùng với việc tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp thì việc phát triển đô thị nhằm phục vụ cho công nghiệp là vấn đề mà tỉnh Bình Dương ưu tiên hàng đầu. Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ đô thị Thành phố Mới Bình Dương rộng 4.196 ha, có vị trí tại trung tâm của tỉnh Bình Dương là điểm nhấn. Tại khu công nghiệp này dành 2.000 ha cho phát triển các khu công nghiệp, khu kỹ thuật cao; 900 ha phát triển các dịch vụ cao cấp như trung tâm tài chính, ngân hàng, trung tâm thương mai... và 1.000 ha phát triển các khu đô thị, khu dân cư.

Đây được xem là mô hình thành công, có ý nghĩa trong việc gắn kết phát triển hạ tầng khu công nghiệp với phát triển đô thị của tỉnh Bình Dương.

Cũng chính từ đây, nhiều mô hình xây dựng khu công nghiệp gắn kết phát triển đô thị được tỉnh Bình Dương tiếp tục đầu tư xây dựng và đã mang lại hiệu quả như: Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, Bàu Bàng và Việt Nam - Singapore II.

Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, hiện có trên 15.000 tỷ đồng được đầu tư vào phát triển hạ tầng khu công nghiệp ở Bình Dương; trong đó, điểm đặc biệt của tỉnh là không sử dụng vốn ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng trong các khu công nghiệp mà do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng.

Điển hình có 2 khu công nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài, các khu công nghiệp còn lại là do các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư.

Cũng theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, bên cạnh kết quả đạt được, sự phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua còn có những khó khăn hạn chế nhất định. Đó là tỷ lệ lấp kín đất công nghiệp còn thấp, việc thực hiện quy hoạch chi tiết của một số khu công nghiệp chưa đồng bộ, hoạt động bảo vệ môi trường một số nơi chưa đảm bảo đã làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển khu công nghiệp theo hướng bền vững.

Theo ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X với mục tiêu "Phấn đấu đến năm 2020, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp lớn, có trình độ sản xuất ở tầm quốc gia và khu vực, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới", Bình Dương sẽ tập trung phát triển các khu công nghiệp theo hướng nhanh và bền vững.

Theo đó, tỉnh thu hút dự án đầu tư theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tỷ lệ nội địa cao, ít thâm dụng lao động. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên các ngành công nghiệp hỗ trợ có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm toàn cầu; các ngành công nghiệp mũi nhọn như: điện, điện tử, viễn thông, tin học, công nghiệp cơ khí… đặc biệt ưu tiên hàng công nghiệp xuất khẩu và hàng xuất khẩu có tỷ lệ nội địa cao; công nghiệp chế biến sản phẩm nông-lâm nghiệp... cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện nâng cấp và mở rộng hệ thống giao thông đường thuỷ; nghiên cứu, xây dựng hệ thống giao thông đường sắt nhằm hỗ trợ tối ưu cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá.

Ngoài ra, việc Bình Dương quyết tâm xây dựng thành phố thông minh cũng chính là quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lý tưởng với kỳ vọng tiếp tục thu hút đầu tư vào tỉnh sẽ tăng mạnh hơn nữa../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục