Đòn bẩy chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn An Giang

09:21' - 18/10/2019
BNEWS An Giang tái cơ cấu thành công ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng, theo nhu cầu thị trường, lấy doanh nghiệp và nông dân làm trọng tâm, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo.
Cơ sở sản xuất chả nem của hộ nông dân Hoàng Đức Nguyên ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới là mô hình phát triển kinh tế hộ theo tiêu chí Nông thôn mới. Xã Kiến An đã về đích NTM năm 2017. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh An Giang đã tái cơ cấu thành công ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng, theo nhu cầu thị trường, lấy doanh nghiệp và nông dân làm trọng tâm, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo.

Với các chính sách đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp, nông dân và các thành phần tham gia cùng phát triển nông nghiệp đã đưa An Giang là một trong những địa phương đi đầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, nhưng với sự quyết tâm, chung sức của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp chính quyền và sự hưởng ứng của người dân An Giang, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại An Giang đã đạt được nhiều kết quả tốt.

Tăng trưởng GRDP tỉnh bình quân giai đoạn 2011 - 2019 khoảng 6%/năm, riêng về tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn này bình quân khoảng 2%/năm; cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh có sự chuyển dịch theo hướng tích cực từ 40,9% (năm 2011) xuống còn 32,1% (năm 2018).

Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, xác định nông nghiệp và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành đã tập trung tổ chức lại sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao kết hợp với phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

“Từ đó, sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; tập trung về chất lượng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch, theo chuỗi giá trị, và tiến đến xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp”, bà Vân cho biết.

Mô hình trồng ớt trên địa bàn huyện An Phú. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Để đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang, Trường Đại học An Giang đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các địa phương trên địa bàn tỉnh để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực như: giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phòng, trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phát triển quy trình công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp.

Mạnh dạn tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh An Giang đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, trong đó có các tập đoàn kinh tế lớn cũng đầu tư vào tỉnh với quy mô lớn: Vùng sản xuất giống cá tra chất lượng cao của Việt Úc quy mô 104 ha; vùng sản xuất cá tra công nghệ cao của Công ty Nam Việt Bình Phú quy mô 600 ha; vùng sản xuất chuối công nghệ cao Vĩnh Phát quy mô 400 ha; dự án trang trại bò sữa kết hợp chế biến sữa với quy mô 22 ngàn con bò do Tập đoàn TH đầu tư với quy mô 178 ha,....

An Giang cũng xây dựng thành công nhiều chuỗi liên kết sản xuất bền vững tiêu thụ mang lại hiệu quả cao như: chuỗi liên kết sản xuất lúa Nhật, chuỗi liên kết sản xuất nếp, chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo Japonica, chuỗi liên kết sản xuất xoài 3 màu ở Chợ Mới....với nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ…

Với nhiều chính sách đột phá, năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của An Giang được nâng lên, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ngày càng mở rộng, tỷ lệ diện tích gieo trồng lúa, nếp có liên kết theo tiêu chí cánh đồng lớn bình quân hàng năm là 6,5%, mỗi năm trung bình có 15 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân, có khoảng 10 hợp tác xã và 8 tổ hợp tác tham gia.

Nếu năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp/ha của An Giang chỉ đạt 85,23 triệu đồng/ha; nhưng đến năm 2015 tăng lên 120 triệu đồng/ha và đến năm năm 2018 tăng lên 173 triệu đồng/ha, ước năm 2019 là 183 triệu đồng/ha.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, An Giang đã tập trung phát triển quỹ đất đủ lớn nhằm tạo thuận lợi trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn; đồng thời, xem nhiệm vụ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm; xem doanh nghiệp là động lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn, và tỉnh cũng xác định chỉ có doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị.

“Từ năm 2016-2019, UBND tỉnh An Giang Quyết định chủ trương đầu tư với 69 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn gần 18 ngàn tỷ đồng; trong giai đoạn này tỉnh cũng hỗ trợ các địa phương triển khai 360 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Nhờ các chính sách đột phá, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 40,7 triệu đồng/người/năm, tăng 13,15 triệu đồng so năm 2015 (27,55 triệu đồng)”, ông Lâm cho biết.

Mô hình trồng hoa trong nhà kính trên địa bàn thành phố Long Xuyên cho thu nhập cao. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Nếu so với thu nhập bình quân đầu người vào năm 2010, thì mức thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn của An Giang năm 2018 đã tăng lên gấp 3 lần so với năm 2010.

Mức thu nhập khu vực nông thôn tăng lên, từ đó tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân hàng năm 1,34%; có 99,06% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh và 88,56% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy định.

Tính đến đầu tháng 10/2019, An Giang có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 54/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 45,38%; số tiêu chí đạt bình quân của xã toàn tỉnh là 15 tiêu chí/xã và không có xã đạt dưới 8 tiêu chí.

Dự kiến đến cuối năm 2019, An Giang có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 61/119 xã, hoàn thành trước lộ trình đề ra theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, các chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp cao của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Từ đó, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nông dân và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp mở rộng và xây dựng hệ thống kho dự trữ lúa và máy móc, thiết bị đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân.

“Để nông nghiệp là mũi nhọn kinh tế, mang lại sự giàu có  cho nông dân An Giang, thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, hoàn chỉnh đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình về giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hạ tầng phục vụ phát triển gắn kết giữa nông nghiệp sạch và du lịch sinh thái...”, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết.

Để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế vốn có, UBND An Giang cho biết, tỉnh sẽ nghiên cứu hoàn thiện cơ chế về tích tụ đất đai, tiến đến xóa bỏ hạn điền và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tích tụ đất đai đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục