Doanh nhân gốc Việt thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và CH Czech

18:45' - 16/04/2019
BNEWS Những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Czech đã có những bước phát triển đáng kể.
May giầy xuất khẩu tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh (tư liệu): Trần Việt - TTXVN

Trong giai đoạn 2014 - 2018, thương mại song phương đã tăng tới 68,47%, từ mức 697 triệu USD năm 2014 lên 1,2 tỷ USD năm 2018.

Năm 2018, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 36 trong số hơn 200 đối tác của Cộng hòa Czech. Nếu tính riêng xuất khẩu, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 28 vào Cộng hòa Czech, đặc biệt hiện là một trong 12 thị trường ưu tiên về thương mại của nước bạn.

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Czech - ông Hồ Minh Tuấn cho biết, nói đến thị trường Czech mà chỉ nói đến các doanh nghiệp Czech thì chưa đầy đủ vì nét đặc trưng ở đây là có lực lượng doanh nhân gốc Việt khá thành đạt, bước đầu có tiếng nói ở nước sở tại.

Thị trường Czech tuy chỉ có 10 triệu dân, song với vị trí nằm ở trung tâm châu Âu, hàng hóa nhập khẩu sẽ không chỉ phục vụ thị trường Czech mà còn được chuyển đi nhiều nước láng giềng khác.

Hiện nay, cộng đồng này đang góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU).

Theo Bộ Công Thương, năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech tăng gần 16% so với năm 2017, đạt 298,01 triệu USD; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Czech đạt 156,478 triệu USD, tăng 3,3%; nhập khẩu từ Czech vào Việt Nam đạt 141,593 triệu USD, tăng 32%.

Trong quý I năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech đạt 64,643 triệu USD, giảm 12%; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Czech đạt 37,766 triệu USD, tăng 2,4%; nhập khẩu từ Czech vào Việt Nam đạt 26,876 triệu USD, giảm 27,6%.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là giày dép, hàng may mặc, thủy hải sản, thiết bị điện tử, gia công máy công nghiệp, phụ tùng máy và thiết bị điện...

Đặc biệt, trong đó có nhiều mặt hàng do Việt Nam sản xuất, không phải hàng gia công như: thủy hải sản, máy móc, đồ gỗ, nông sản, cà phê, tiêu, cao su…

Trên cơ sở đó, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nhà cung cấp khác về giá cả và chất lượng, nhất là thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục xem xét, đánh giá để thúc đẩy khả năng hợp tác trong ngành công nghiệp da giày, dệt may và khai khoáng cũng như nghiên cứu việc hợp tác sản xuất các mặt hàng này để xuất khẩu sang nước thứ ba.

Để đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech, các chuyên gia cho rằng, trước mắt Chính phủ hai nước cần nỗ lực để Hiệp định EVFTA sớm được ký kết, phê chuẩn; đồng thời tiếp tục tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao và cấp Bộ, ngành để mở đường cho thương mại, đầu tư, xuất khẩu lao động.

Cùng với đó, tận dụng tối đa cơ chế của Ủy ban liên Chính phủ (Khóa họp lần thứ VII Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Cộng hòa Czech về hợp tác kinh tế dự kiến diễn ra tại Praha vào năm 2020) nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước khảo sát thị trường và tham dự các hội chợ, triển lãm, diễn đàn, hội thảo kinh tế, thương mại.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục