Doanh nghiệp lớn ủng hộ G7 giảm lượng rác thải nhựa trên đại dương

12:01' - 21/09/2018
BNEWS Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, Catherine McKenna, thông báo đã thiết lập được “mối quan hệ đối tác mới với các doanh nghiệp” nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa trên các đại dương.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) về biến đổi khí hậu, đại dương và năng lượng sạch, diễn ra từ ngày 19-21/9 ở Halifax, Canada, Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, Catherine McKenna, thông báo đã thiết lập được “một mối quan hệ đối tác mới với các doanh nghiệp” nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa trên các đại dương.
Tháng Sáu vừa qua, trừ Mỹ và Nhật Bản, 5 nước G7 còn lại là Vương quốc Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, cùng với Liên minh châu Âu (EU), đã ký bản Hiến chương về ngăn ngừa rác thải nhựa đại dương tại một hội nghị ở khu vực Charlevoix của Canada.

Mặc dù không thuộc G7, nhưng Na Uy và Jamaica cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận có mục tiêu tới năm 2030, 100% rác thải nhựa sẽ được tái chế nói trên.
Theo bà McKenna, những doanh nghiệp và tập đoàn đa quốc gia ủng hộ chủ trương trên gồm Loblaws, Walmart, Nestle Canada, IKEA, Dow Chemicals, Coca-Cola, BASF Canada và A&W Canada.
Hãng Unilever cũng tuyên bố đã thành lập một định chế phi tài chính nhằm giảm thiểu lượng rác thải người tiêu dùng và rác thải doanh nghiệp. Trong khi đó, hãng chế tạo ô tô Volvo đã có kế hoạch nâng tỷ lệ tái sử dụng lượng nhựa trong các dòng xe của hãng lên con số 25% vào năm 2025.
Nhóm các quốc gia ủng hộ việc giảm thiểu lượng rác thải nhựa trên đại dương nói trên đang tìm kiếm các biện pháp khả thi nhằm thay thế việc đóng gói sản phẩm bằng nhựa hiện tại, hướng đến mục tiêu đến năm 2040, tất cả các loại rác thải nhựa sẽ được tái chế và tái sử dụng.
Còn theo Bộ trưởng Nghề cá Canada, Jonathan Wilkinson, các quốc gia này cũng đang tìm cách giải quyết tình trạng mất các bộ lưới và dụng cụ đánh bắt hải sản trên đại dương. Theo ông Wilkinson, lưới và các dụng cụ nói trên chiếm tới 70% lượng rác thải nhựa xuất hiện trên mặt biển.
Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới ước tính mỗi năm có tới 640.000 tấn lưới và các dụng cụ đánh bắt khác bị vứt xuống biển, làm chết khoảng 136.000 con sư tử biển, cá heo, hải cẩu, rùa, cá voi nhỏ và các loài chim biển.

Khoảng 70% lượng rác thải nhựa kích thước lớn xuất hiện trên mặt biển là từ các hoạt động đánh bắt hải sản. Giám đốc điều hành Josey Kitson của cơ quan này gọi những rác thải nhựa là “những cái bẫy chết chóc” đối với nhiều loài chim biển, cá và động vật biển.
Ông Wilkinson cho rằng G7 và các quốc gia khác tham gia hội nghị tại Halifax đang tìm kiếm những sáng kiến để ngư dân có thể tái sử dụng dụng cụ đánh bắt và loại bỏ các lưới đánh cá cũ kỹ một cách phù hợp.

Song song với đó, G7 cũng đang tìm cách truy xuất nguồn gốc những dụng cụ đánh bắt bị vứt bỏ để xử lý người vi phạm.

Ông Wilkinson khẳng định mặc dù chưa có lịch trình thực hiện cụ thể đối với các cam kết trên, nhưng các bộ trưởng G7 đã nhất trí “thảo luận vấn đề này một lần nữa” tại Hội nghị Kinh tế Xanh tại thủ đô Nairobi của Kenya vào tháng 11 tới.
>>>Hội nghị Bộ trưởng G7 thảo luận về ngăn ngừa rác thải nhựa đại dương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục