Doanh nghiệp Italy quan tâm đến đầu tư vào Việt Nam

08:31' - 10/11/2018
BNEWS Việt Nam có sự tăng trưởng tích cực cả về sản phẩm công nghiệp lẫn thu hút đầu tư nước ngoài. Trong số các nước thuộc ASEAN, Việt Nam có nhiều lợi thế về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Việt Nam đang thúc đẩy việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa: TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Rome đưa tin, ngày 9/11, Phòng Thương mại Italy tại Việt Nam (ICHAM Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Chào buổi sáng Việt Nam: Cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp” nhằm giới thiệu với các doanh nhân Italy về tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Tại buổi hội thảo, được tổ chức ở trụ sở Phòng Thương mại Rome, Chủ tịch ICHAM Việt Nam Michele D’Arcole  và Giám đốc điều hành ICHAM Việt Nam Phạm Hoàng Hải đã giới thiệu với các nhà đầu tư Italy về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như những kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Đại diện các doanh nghiệp Italy đến dự Hội thảo đã được cung cấp những thông tin cụ thể về các lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam đang ưu tiên trong khi phía Italy lại đang có thế mạnh.

Ngoài ra, triển vọng hợp tác và cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam một khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được phê chuẩn và có hiệu lực đã được các đại biểu tham dự hội thảo đặc biệt nhấn mạnh và làm rõ.

Bên cạnh đó, mối quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Italy liên quan đến chính sách, cơ chế, thủ tục trong đầu tư, hợp tác với Việt Nam cũng đã được đại diện ICHAM Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Italy giải đáp cụ thể.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Chủ tịch ICHAM Việt Nam Michele D’Arcole đánh giá trong những năm gần đây, Việt Nam đã có sự tăng trưởng tích cực cả về sản phẩm công nghiệp lẫn thu hút đầu tư nước ngoài. Trong số các nước thuộc ASEAN, Việt Nam có nhiều lợi thế về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo ông Michele D’Arcole, sự ổn định chính trị là lợi thế lớn nhất của Việt Nam. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm khi thực hiện các dự án đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam có tới khoảng 60% dân số trong độ tuổi lao động và đây là điều kiện cơ bản cho bất kỳ nhà đầu tư nào muốn tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, được đào tạo và có kỹ năng hợp tác trong làm việc nhóm.

Giá nhân công thấp cũng là lợi thế có tính cạnh tranh cao của Việt Nam. Hiện Việt Nam đang thúc đẩy việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thúc đẩy thực hiện các biện pháp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh một cách đồng bộ trên nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, các lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ …vv.

Đánh giá mức độ quan tâm của các doanh nghiệp Italy đối với thị trường Việt Nam, ông Michele cho biết phía Italy thực sự rất quan tâm trước việc Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực trong thời gian sắp tới. Doanh nghiệp Italy sẽ có rất nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực mà Italy có thế mạnh một khi Hiệp định EVFTA được phê chuẩn và có hiệu lực.

Ông Michele nhấn mạnh việc thuế suất được đưa về mức 0% (khi EVFTA có hiệu lực) sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước. Italy lúc đó có thể xuất khẩu sang Việt Nam nhiều mặt hàng như máy móc cơ khí, sản phẩm đồ gỗ, vải sợi, quần áo...

Phía Italy cũng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các sản phẩm như giày dép, các mặt hàng da, vải sợi, y tế và hóa chất. Hai nước sẽ có đủ điều kiện để nâng cao kim ngạch thương mại song phương. Các doanh nghiệp Italy có thể tận dụng các thế mạnh của mình trong lĩnh vực khoa học công nghệ để giúp Việt Nam phát triển một số ngành, nhất là ngành nông nghiệp.

Đề cập đến các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh cho biết Việt Nam và Italy đã ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược kể từ năm 2013.

Hai nước cũng đã thành lập cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về kinh tế nhằm thúc đẩy hợp tác, đầu tư song phương. Mặc dù kim ngạch thương hai chiều liên tục tăng trưởng trong những năm qua nhưng vẫn chưa phản ánh hết tiềm lực của doanh nghiệp hai nước.

Ông Nguyễn Đức Thanh cho rằng để thúc đẩy hợp tác kinh tế hơn nữa, hai bên trước tiên cần tăng cường trao đổi các Đoàn cấp cao để “hâm nóng” quan hệ Đối tác chiến lược cũng như quan hệ giữa các cấp, các ngành của hai nước.

Thứ hai, hai bên cần tăng cường hợp tác kinh tế giữa các địa phương với nhau, như thỏa thuận hợp tác giữa vùng Veneto với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giữa tỉnh Yên Bái với một số vùng sản xuất, khai thác đá xây dựng của .Italy, hoặc như một số dự án khác mà hai bên đang triển khai thực hiện.

Thứ ba, tăng cường hợp tác ở cấp độ vi mô, giữa các ngành, nghề khác nhau, giữa các doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy việc tổ chức các đoàn công tác sang thăm lẫn nhau để tham dự các hội chợ, triển lãm, hợp tác chuyên ngành.

Italy hiện xếp vị trí thứ 4 trong số các đối tác kinh tế của Việt Nam ở Châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt gần 5 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Italy vào Việt Nam đứng thứ 31 trong số 126 nước và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam đạt 389 triệu USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục