Doanh nghiệp Na Uy tìm đối tác phát triển khí LNG

11:53' - 04/11/2019
BNEWS Hội thảo là diễn đàn giúp các công ty Na Uy tìm kiếm đối tác trong nước để đầu tư và phát triển các giải pháp, công nghệ tiên tiến cho ngành LNG của Việt Nam
Doanh nghiệp Na Uy tìm đối tác phát triển khí LNG tại Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Sáng 4/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy, Bộ phận thương vụ tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Hội thảo là diễn đàn giúp các công ty Na Uy tìm kiếm đối tác trong nước để đầu tư và phát triển các giải pháp, công nghệ tiên tiến cho ngành LNG của Việt Nam, gồm: cơ sở thiết bị và các trạm đầu mối LNG, FSRU (Tàu vận chuyển và Lưu trữ LNG), nhà máy điện LNG nổi, các tàu và thiết bị phân phối LNG quy mô nhỏ, các phương án tài chính khả thi cho dự án LNG...

Chia sẻ về nhu cầu sử dụng LNG cho ngành điện, ông Lê Hải Đăng, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, quy hoạch Điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025 - 2030 Việt Nam sẽ cần xây mới các nhà máy điện khí LNG với tổng công suất từ 15.000 - 19.000 MW để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng trong nước.

Trong khi đó, theo dự báo, sau năm 2020, nguồn cung khí của Việt Nam sẽ giảm do dự trữ khí trong nước giảm và do việc chậm triển khai các mỏ khí mới. Chính vì vậy, Việt Nam cần nhập khẩu thêm LNG để bổ sung nhiên liệu cho các nhà máy điện ở khu vực phía Nam.

Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí của Việt Nam đến năm 2025, định hướng tới năm 2035, dự báo giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 1 - 4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm, tăng lên 6-10 tỷ m3 mỗi năm sau đó. Khoảng 75% lượng LNG nhập khẩu sẽ được sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện để đảm bảo an ninh cho ngành kinh tế đang phát triển của Việt Nam.

Vì thế, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực LNG hợp tác với nhau. Điều này khiến thị trường LNG ở Việt Nam trở nên “sôi động” hơn bao giờ hết.

Na Uy và Việt Nam là hai nước có đường bờ biển dài và diện tích tương đương nhau. Cả hai đều có ngành công nghiệp dầu khí. Tuy nhiên, trong khi Na Uy là nước xuất khẩu thuần năng lượng thì Việt Nam đang có xu hướng nhập khẩu thuần năng lượng.

Đến hội thảo lần này, đi đầu với những giải pháp về LNG, các doanh nghiệp của Na Uy hoạt động ở từng mắt xích trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất LNG, tới khí hóa, vận chuyển, và sản xuất điện từ LNG.

Đặc biệt, Na Uy là nước đầu tiên trên thế giới phát triển các trạm LNG nổi, vừa hiệu quả về chi phí, tin cậy về giải pháp và được thi công trong một thời hạn ngắn. Na Uy cũng nổi tiếng với những giải pháp xây dựng tàu quy mô nhỏ để vận chuyển LNG từ trạm tới người dùng cuối trong ngành công nghiệp gồm các nhà máy điện công suất nhỏ, các cơ sở hóa chất, sản xuất phân bón v.v…

Theo Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen, trong bối cảnh bối cảnh chuyển đổi cơ cấu năng lượng hiện nay ở Việt Nam và toàn khu vực, LNG là một phương án thay thế tuyệt vời cho than, nhất là từ góc độ giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Na Uy là một trong những quốc gia đi đầu với những giải pháp công nghệ cao và thông minh cho toàn chuỗi cung ứng LNG. Các công ty Na Uy có rất nhiều kiến thức, chuyên môn, công nghệ trong lĩnh vực này và sẵn sàng chuyển giao cũng như chia sẻ với Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc điều hành Vietbid cho hay, tất cả những dự án khí nằm trong quy hoạch hiện vẫn chưa được xây dựng. Các dự án Sơn Mỹ, Cà Mau, Cát Hải, Thái Bình mặc dù đưa vào quy hoạch nhưng chưa triển khai.

Tại miền Bắc thì chưa thấy dự án nào, nhưng với nhu cầu năng lượng tại miền Bắc dự báo tiếp tục tăng cao, chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Ông Hà cũng cho biết thêm: “Việt Nam có nhiều nhà đầu tư tìm hiểu và tham gia trong lĩnh vực này, nhưng không có công ty nào của Na Uy. Rất hi vọng trong tương lai và sau buổi hội nào này, chúng tôi sẽ được đón tiếp và hợp tác với các bạn”.

Theo ông Baptiste Debaene, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty Hoegh LNG, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, trên 6%/năm, đồng thời có nhu cầu về khí nhiều hơn phục vụ cho sản xuất điện, phân bón, công nghiệp... Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần có thêm các nhà máy chạy gas trong sơ đồ phát triển điện của mình.

Ông Baptiste Debaene cũng đề xuất, với công nghệ Tàu Vận chuyển và Lưu trữ LNG (FSRU) hiện có, Việt Nam có thể tiếp cận một cách cạnh tranh. 

“Để xây kho chứa LNG, sẽ mất cả tỷ USD. Nhưng với Tàu Vận chuyển và Lưu trữ, với tính năng thiết kế, có thể chuyển khí xuống hoặc sử dụng như 1 cảng, tàu chứa; khi không cần FSRU thì có thể yêu cầu chuyển tàu ra khu vực khác. Đây là giải pháp thực tế, với những dự án triển khai nhanh...”, ông Baptiste Debaene nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục