Djibouti: "Cửa ngõ" vào châu Phi của Trung Quốc

05:30' - 16/08/2017
BNEWS Vào tháng 7, Tư lệnh Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Thẩm Kim Long đã tuyên đọc lệnh về xây dựng căn cứ tại Djibouti – căn cứ quân sự đầy đủ đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài.
Djibouti là căn cứ quân sự đầy đủ đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Cùng lúc đó, tàu tuần tra Jinggangshan và tàu ụ Donghai Island hiện đại, có khả năng thực hiện chức năng của một vịnh nổi và phục vụ hậu cần - kỹ thuật cho các tàu hải quân ngay trên biển, đã rời cảng tiến về đất nước châu Phi xa xôi. Thực ra, căn cứ này đã được xây dựng từ năm 2016, nay chỉ cần hoàn thiện và đưa quân đến.

Sau đó, tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã bị tấn công bằng các câu hỏi. Báo giới quan tâm điều gì đứng sau quyết định mở căn cứ nước ngoài của Trung Quốc, và quyết định đó có phải là bước đi đầu tiên để mở rộng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại nước ngoài hay không.

Theo quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, có 3 lý do để xây dựng căn cứ hỗ trợ hậu cần: Thứ nhất, hỗ trợ hoạt động của hạm đội Trung Quốc trong khuôn khổ hoạt động tháp tùng các tàu tại vịnh Aden và bờ biển Somalia mà Liên Hợp Quốc (LHQ) cho phép; Thứ hai, đảm bảo vận chuyển hàng nhân đạo; Thứ ba là tăng cường hỗ trợ hòa bình và an ninh tại châu Phi và bên ngoài châu lục.

Ngoài ra, ông Cảnh Sảng cho biết căn cứ này sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của chính Djibouti, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc trung thành với "con đường phát triển hòa bình" và không xa rời học thuyết quân sự quốc phòng của mình.

Truyền thông Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên truyền căn cứ ở Djibouti là căn cứ hậu cần hơn là một căn cứ quân sự đúng nghĩa. Quân nhân có hiện diện tại đây, song quy mô, chức năng và thiết bị khác với các căn cứ của các nước khác. Căn cứ này sẽ không được huy động để tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn hay để bố trí các phương tiện không quân.

Song phương Tây lại có cái nhìn khác. Theo họ, Trung Quốc lập căn cứ tại Djibouti là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang "giở sang trang mới" trong chính sách đối ngoại và chuyển tập trung vào việc xây dựng các cơ cấu an ninh kiểu "Dĩ Mỹ vi trung" (lấy Mỹ làm trung tâm) trong khu vực, nơi hiện diện lợi ích địa chính trị và kinh tế của mình.

Theo quan điểm này, Trung Quốc sẽ nỗ lực thiết lập thế cân bằng, và trong trường hợp cần thiết thì kiềm chế không chỉ Mỹ, mà cả Ấn Độ, bằng cách thiết lập một vòng vây các trạm, chốt hải quân trên lục địa châu Phi và các mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với Pakistan, Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka.

Dự định lập căn cứ của Trung Quốc tại châu Phi đã có từ lâu. Các nước ứng cử viên bao gồm Tanzania, Kenia, Nigeria, AngolaMozambique. Song lựa chọn Djibouti không phải ngẫu nhiên mà có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, Djibouti, một đất nước không lớn về diện tích cũng như về dân số (chưa đến 1 triệu dân), nằm trên eo biển Bab-el-Mandeb, con đường huyết mạch trên biển nối liền châu Âu, châu Á và châu Phi.

An toàn hàng hải tại đây và tại các vùng biển lân cận như Biển Đỏ và Biển Arab là mối quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới và đặc biệt là những nước phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại thế giới.

Khu vực này là một trong những khu vực bất ổn và mất an toàn nhất: một bên là Somalia - với các làn sóng khủng bố và cướp biển xảy ra thường xuyên - án ngữ, và một bên là Yemen – nước đang trong tình trạng xung đột vũ trang trong và ngoài nước.

Sau khi thiết lập các mối quan hệ thương mại rộng khắp với châu Âu và từ những năm 2000 là với châu Phi, giờ đây khi xác lập sự hiện diện thường xuyên tại khu vực này của thế giới, Trung Quốc sẽ được đảm bảo hơn khi các tuyến đường vận tải của họ không bị đe dọa.

Từ năm 2008, hạm đội Trung Quốc đã hộ tống hơn 3.000 tàu của các nước trong khuôn khổ hoạt động chống cướp biển quốc tế.

Thứ hai, nhìn từ quan điểm kinh tế-thương mại, khu vực Đông Bắc Phi tự thân đã có vai trò quan trọng đối với Bắc Kinh, trước hết là về dầu mỏ. Trung Quốc mua dầu mỏ nhiều nhất từ Sudan và Nam Sudan, đồng thời đang tiến hành công tác thăm dò tại đây.

Theo số liệu của Khartoum, khu vực này thu hút tới 75% đầu tư thế giới vào lĩnh vực khai thác dầu khí. Dầu lại được vận chuyển qua cảng Sudan trên Biển Đỏ và eo biển Bab-el-Mandeb.

Djibouti quan trọng với Trung Quốc còn vì đây là "cửa ngõ hàng hải" vào Ethiopia, đất nước đạt 1,5 tỷ USD kim ngạch hàng hóa với Trung Quốc và nằm trong top 5 nước châu Phi về thu hút đầu tư của Trung Quốc (7,5 tỷ USD).

Những năm 2010, Trung Quốc đã rót tiền và công nghệ để khôi phục và đưa vào hoạt động tuyến đường sắt nối liền Addis-Abeba và cảng Djibouti.

Thứ ba, từ góc độ chiến lược quân sự, tầm quan trọng của vùng đất này đã được công nhận từ lâu. Căn cứ quân sự của Pháp tại Djibouti được xây dựng từ thời thuộc địa, song đến những năm 2000 đã được chuyển giao cho Mỹ để xây dựng căn cứ đầu tiên của Lầu Năm Góc tại châu Phi – đó là căn cứ Camp Lemmonier.

Hiện, tại đây có 4.000 quân Mỹ, máy bay tiêm kích F-16 và máy bay tuần tra bờ biển P-3S đồn trú. Phạm vi hoạt động của lực lượng này là toàn bộ lục địa châu Phi và phần Bán đảo Arab phụ cận. Binh sĩ Đức và Italy đồn trú luân chuyển tại căn cứ Camp Lemmonier. Cạnh đó có một căn cứ nhỏ của Nhật Bản mà Tokyo tuyên bố sẽ mở rộng trong những năm tới.

Rõ ràng, Bắc Kinh không thờ ơ với những gì mà các đối thủ cạnh tranh đang tiến hành tại châu Phi. Và thậm chí kể cả Bắc Kinh không đặt ra nhiệm vụ thu thập thông tin và theo dõi hoạt động quân sự của NATO và các đồng minh, thì khi cần thiết cũng sẽ không khó để "nhìn trộm" hoạt động của họ. 

Thứ tư, căn cứ tại Djibouti dứt khoát sẽ hỗ trợ các binh sĩ Trung Quốc tham gia các chiến dịch bảo vệ hòa bình tại các quốc gia châu Phi, cũng như hỗ trợ huấn luyện các quân đội châu Phi.

Từ năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố kế hoạch tăng cường sự tham gia của nước này vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình dưới sự bảo trợ của LHQ, cam kết sẽ gửi 8.000 quân tham gia, đóng góp 60 triệu USD để xây dựng lực lượng thường trực tại châu Phi.

Thứ năm, do tốc độ tăng quá nhanh số người Trung Quốc định cư và làm việc tại châu Phi (hiện đã hơn 1 triệu người), Bắc Kinh đứng trước vấn đề cần phải có một kế hoạch hành động sơ tán những công dân của mình một cách nhanh chóng trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp. 

Thứ sáu, phía Djibouti cũng được lợi vô cùng lớn khi có căn cứ của Trung Quốc. Theo tính toán sơ bộ, Trung Quốc đã chi 3-3,5 tỷ USD để phát triển hạ tầng giao thông (đường sắt, cảng) và các hạ tầng khác tại nước này, đổi lấy việc Djibouti cho phép các ngân hàng của Trung Quốc hoạt động và ưu đãi cho các công ty Trung Quốc.

Ngoài ra, Djibouti bắt đầu được coi là một trong những nước chủ chốt của kế hoạch kinh tế-thương mại chiến lược "Con đường Tơ lụa thế kỷ 20" của Trung Quốc từ châu Á sang châu Âu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục