Định mức đơn giá xây dựng và câu chuyện “tính đúng, tính đủ”

08:36' - 04/06/2019
BNEWS Yêu cầu “tính đúng, tính đủ, tính giá tại chân công trình” trở thành một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đang bị vướng về định mức và đơn giá trong thanh toán. Ảnh minh hoạ : Duy Khương/TTXVN

Đổi mới cơ chế chính sách trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị có tác động mạnh đến việc nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án, đặc biệt là dự án công, đồng thời góp phần chống thất thoát lãng phí.

Vì lẽ đó, Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng đang nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Yêu cầu “tính đúng, tính đủ, tính giá tại chân công trình” trở thành một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của Đề án.
Đề án do Bộ Xây dựng chủ trì triển khai và điều phối với sự tham gia của các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ Xây dựng cùng Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Theo lộ trình, giai đoạn từ năm 2017-2018, hoàn thiện việc rà soát các định mức cũ, hoàn thiện phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Giai đoạn từ năm 2019-2020, xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng theo phương pháp mới đã hoàn thiện, hướng dẫn sử dụng các tập định mức và giá mới lập.
Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Khánh cho biết, hoàn thiện hệ thống chính sách về định mức và giá, cơ chế chính sách về định mức và giá là nhiệm vụ cơ bản của quản lý nhà nước về kinh tế xây dựng và kinh tế đô thị. Điều này có tác động rất lớn đến hiệu quả đầu tư các dự án.
Nếu đảm bảo phân cấp, phân quyền cũng như hệ thống công cụ quản lý đầy đủ, kịp thời, phù hợp sẽ đảm bảo xác định chi phí hợp lý theo cơ chế thị trường thì việc thực hiện dự án sẽ đảm bảo chất lượng, tiến độ, đặc biệt, không vượt chi phí dự tính.
Những yếu tố đó tác động trực tiếp đến hiệu quả đầu tư các dự án. Ngoài ra, hệ thống chính sách đầy đủ, hoàn chỉnh, đồng bộ và công khai sẽ sẽ góp phần tạo ra thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh; tránh thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Đồng thời, tác động của Đề án trực tiếp và tích cực đến hiệu quả đầu tư. Trước hết là khắc phục những tồn tại của quản lý theo cơ chế cũ bởi công cụ này chưa đảm bảo hoàn toàn việc tính đúng tính đủ.

Đối với việc đầu tư xây dựng dự án thì tính đúng, tính đủ là vô cùng quan trọng, nhất là với dự án công – Cục trưởng Phạm Văn Khánh khẳng định.
Nếu thừa chi phí cũng dẫn đến lãng phí và tiêu cực, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng cũng như hiệu quả đầu tư của dự án.

Bởi vậy, mong muốn của Đề án là đảm bảo tính đúng, tính đủ tốt nhất cho các dự án đầu tư công; dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Muốn tính đúng, tính đủ phải đi từ phương pháp như: lập định mức, mức giá theo cơ chế thị trường; mọi thông tin phải xuất phát từ thị trường.

Do đó, cần điều tra thị trường, xử lý số liệu ra kết quả khách quan, phản ánh đúng năng suất, hiệu quả thực tế. Có như vậy mới đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ với định mức – ông Khánh phân tích.
Theo bà Lã Hồng Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), Bộ đã rà soát và kiến nghị điều chỉnh 700 định mức; trong đó có 500 định mức quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến giá thành xây dựng.

Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải triển khai dự án đường cao tốc Bắc Nam nên rất cần có định mức điều chỉnh bổ sung để áp dụng vào phê duyệt dự toán.
Ở góc độ ngành giao thông, bà Hạnh cho rằng vẫn còn vướng mắc. Theo quy định của Bộ Xây dựng, giá ca máy được giao cho địa phương ban hành, tuy nhiên các địa phương lại chưa kịp thời hoàn thành việc này.

Trong trường hợp, các định mức Bộ Xây dựng đã ban hành rồi mà chưa có giá ca máy thì cũng rất là khó khăn cho ngành giao thông trong việc áp dụng các định mức và đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Anh Dũng – Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng thành phố Hà Nội) bày tỏ, Hà Nội là thành phố lớn có tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt những vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng và phát triển đô thị.

Vì thế, thời gian qua, Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, rà soát lại các định mức xây dựng trong cả thành phố để phù hợp với yêu cầu thực tiễn về quản lý xây dựng trên địa bàn.
Tuy nhiên, hệ thống định mức ban hành trước đây đa số áp dụng chung trên cả nước nên nhiều cái không phù hợp với tiêu chuẩn cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật của Hà Nội.

Theo ông Dũng, Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và đơn giá xây dựng nên tập trung vào nội dung liên quan tính đặc thù riêng về định mức đơn giá cho hạ tầng khu đô thị, môi trường, cấp thoát nước để phục vụ phát triển hạ tầng ở Thủ đô.
Các chuyên gia cho rằng, yêu cầu đổi mới được đặt ra từ những năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa triệt để. Điều kiện và phương pháp thực hiện vô cùng quan trọng. Mặc dù Việt Nam đã tham khảo nhiều tài liệu của nước ngoài nhưng cách làm và cơ chế để làm thì đến bây giờ mới đủ điều kiện.
Chuyện học hỏi kinh nghiệm của các nước qua sách vở, lớp đào tạo vẫn chưa sâu và đầy đủ. Trong 3 năm gần đây, phía Nhật Bản, đặc biệt là Cơ quan Hợp tác Quốc tế  Nhật Bản (JICA) đã cử các chuyên gia sang Việt Nam để làm việc, cung cấp những quy định, quy chế cũng như cách làm của Nhật Bản.

Chuyên gia hai bên đã cùng trao đổi về quy định của 2 nước, phân tích và kiến nghị hướng xây dựng hợp lý, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản thì cũng khó thực hiện đổi mới triệt để theo mong muốn – ông Khánh cho hay.
Hiện nay, với sự tham gia của 7 bộ, ngành và địa phương, Đề án đổi mới hệ thống định mức và đơn giá xây dựng được kỳ vọng sẽ tạo thay đổi căn bản trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Năm  2018, các nhiệm vụ của Đề án đã cơ bản hoàn thành.

Khối lượng công việc thuộc về Bộ Xây dựng đã thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, trong Đề án có sự tham gia của các bộ chuyên ngành và một số địa phương, nhưng sự vào cuộc vẫn chậm so với yêu cầu tiến độ - ông Khánh chia sẻ.
Đề án đi vào cuộc sống thì vẫn còn những trở ngại phải vượt qua. Theo Cục trưởng Phạm Văn Khánh, hiện đang có 2 nhiệm vụ lớn phải thực hiện.

Trước hết là rà soát lại các định mức đã có, xây dựng các phương pháp định mức mới và giá mới. Cùng đó là xây dựng lại hệ thống giá ca máy và chính sách mới cũng như cơ sở dữ liệu giá thị trường.
Cùng với việc hướng dẫn thực hiện thì truyền thông cũng rất quan trọng để những đối tượng chịu tác động của sản phẩm này hiểu thấu đáo, từ đó vận dụng hiệu quả.

Quyết định đến tất cả các thành công của công việc trên là yếu tố con người; trong đó có sự nhập cuộc và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, từ cơ quan Trung ương đến địa phương – ông Khánh nhận xét.
Tính cấp thiết của Đề án đổi mới hệ thống định mức và đơn giá xây dựng đã rõ, từ việc quản lý chất lượng chuyên ngành nhiều lĩnh vực khác nhau cho đến thay đổi công nghệ, cách quản lý cho phù hợp thị trường và khâu ban hành hệ thống giá… đã góp phần chống tham nhũng.

Theo kế hoạch, Đề án này cơ bản sẽ hoàn thiện trong năm 2020 nhằm tạo thay đổi căn bản trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục