Định hướng rõ khi chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả

07:29' - 15/01/2019
BNEWS Nhiều doanh nghiệp đang trình Chính phủ kế hoạch xin chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp hoặc cây ăn trái.
Chiến sĩ đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai) khai thác mủ cao su. Ảnh: Dương Giang - TTXVN 

Dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua đã bộc lộ nhiều yếu kém khiến hàng chục nghìn ha cao su không phát huy hiệu quả.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang trình Chính phủ kế hoạch xin chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp hoặc cây ăn trái.

Chính phủ đã đồng ý cho phép chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả này theo kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, việc điều tiết không cho doanh nghiệp chuyển đổi ồ ạt diện tích cũng như loại cây trồng vẫn cần cân nhắc tại thời điểm này.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2008 đến 2011, Gia Lai phê duyệt 44 dự án cho 16 đơn vị trồng cao su trên đất quy hoạch lâm nghiệp với tổng diện tích hơn 32.000 ha.

Sau khi trồng, hàng nghìn ha cao su đã chết hoặc kém hiệu quả gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Kết quả cho thấy, mặc dù đã thực hiện chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nhưng do trồng trên đất rừng khộp, cây cao su không thể phát triển.

Gia Lai có 22 dự án của 7 đơn vị với diện tích cao su bị chết hơn 12.000 ha, chiếm gần 50% diện tích cao su đã gieo trồng trên đất lâm nghiệp toàn tỉnh.

Đặc biệt, có những đơn vị bị chết, kém hiệu quả trên 100% diện tích cao su đã gieo trồng như: Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (2.164 ha), Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê (2.176 ha).

Trên cơ sở này, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ cho chuyển đổi hơn 10.000 ha diện tích cao su chết, kém hiệu quả này sang trồng các loại cây công nghiệp, nông nghiệp khác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, việc chuyển đổi cần đảm bảo phù hợp chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2020 của Thủ tướng chính phủ theo Công văn số 1927/TTg-KTN và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Đồng thời, phải có kế hoạch thực hiện cụ thể, báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhằm mục tiêu vừa nâng cao giá trị sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất lâm nghiệp phát triển rừng.

Tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nêu trên và đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng trình Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đồng ý chủ trương theo đề nghị của tỉnh Gia Lai, cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn chuyển đổi hơn 120.000 diện tích cao su kém hiệu quả sang trồng cây lâm nghiệp, cây công nghiệp hoặc cây nông nghiệp.

Tuy nhiên, phải đáp ứng các yêu cầu: diện tích chuyển đổi phải nằm trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Gia Lai.

Do trước đây cao su được trồng trên đất có rừng, chủ đầu tư phải thực hiện trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định.

Bởi vậy, từng dự án phải được phê duyệt trước khi trồng thử nghiệm, sau khi thành công mới được nhân rộng diện tích, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, không có đầu ra ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế địa phương.

Hiện nhiều doanh nghiệp tại Gia Lai đã tự ý chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, một số loại cây công nghiệp, phớt lờ chủ trương Chính phủ đưa ra.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, trên diện tích đất dự án trồng cao su kém hiệu quả tại xã Ia Blư, huyện Chư Pưh đã tự ý cho thuê đất, thậm chí còn cho máy múc của Công ty đào xới đất lâm nghiệp thuê cho thương lái trồng cây công nghiệp ngắn ngày.

Cũng tại địa phương này, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã thực hiện trồng hàng trăm ha cây ăn trái các loại như mít, xoài trên diện tích cao su kém hiệu quả.

Thời điểm Phóng viên TTXVN vào thực địa thì được biết các loại cây trồng này đã được trồng cách đây khoảng 2-3 năm. Trong khi đó, chủ trương cho trồng thử nghiệm của chính phủ mới có hiệu lực từ cuối năm 2018.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng phòng sản xuất vật tư, Công ty Kinh doanh hàng xuất nhập khẩu Quang Đức cho biết, ngay sau khi nhận được chủ trương của Chính phủ cho phép chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả, Công ty đã trình phương án chuyển đổi hơn 2.100 ha sang trồng mía và sắn.

Vì đây là hai loại cây ngắn ngày, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của khu vực này có thể giúp Công ty xoay vòng vốn trong tình hình khó khăn hiện nay.

Điều này đồng nghĩa với việc Công ty phải trồng rừng thay thế hoặc nộp số tiền trồng rừng thay thế là 140 tỷ đồng, tương đương với diện tích trồng mì, sắn như chủ trương Chính phủ đưa ra.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Thành - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai chia sẻ, khoảng năm 2008, đoàn giám sát của tỉnh đã theo sát việc thực hiện chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cây cao su và cảnh báo về hiệu quả.

Tuy nhiên, sau đó dự án lớn này vẫn được địa phương và các bộ ngành thông qua cho chuyển đổi.

Dự án thất bại sau 2-3 năm, tức khoảng năm 2010-2011. Tại thời điểm đó, nhiều Ban quản lý rừng phòng hộ đã bán gỗ cho doanh nghiệp và đến nay vẫn chưa thu được tiền bán gỗ với số tiền doanh nghiệp nợ hàng chục tỷ đồng.

Cuối năm 2018, nhiều cán bộ lâm nghiệp tại các Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Gia Lai bị kỷ luật vì không đòi được nợ doanh nghiệp sau khi bán gỗ từ năm 2008.

Ông Huỳnh Thành cho rằng, Gia Lai cần trả lại diện tích rừng vốn có, phủ xanh lại diện tích đất rừng, không nên đánh đổi lợi ích kinh tế trước mắt, làm ảnh hưởng đến môi trường.

Tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Đại hội đồng quỹ môi trường toàn cầu diễn ra tại Đà Nẵng ngày 26/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiên quyết không nên đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Do đó, để hạn chế sai lầm, trước mắt tỉnh nên cho doanh nghiệp chuyển đổi diện tích nhỏ tại những nơi đã được kiểm định về nguồn nước, đất phù hợp phát triển nông nghiệp. Diện tích còn lại nên ưu tiên việc tái sinh rừng, cân bằng môi trường sinh thái.

Năm 20018, các doanh nghiệp lại tiếp tục xin Chính phủ chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả này sang trồng cây công nghiệp, nông nghiệp.

Vậy, nếu làm ồ ạt, mất kiểm soát, nguy cơ tiếp nhận “quả đắng” như lần chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su từ 10 năm trước lại tái diễn.

Cần có hướng chuyển đổi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải có sự định hướng rõ ràng, đồng bộ từ các cơ quan ban ngành để tránh tình trạng theo lối mòn cũ ảnh hưởng đến môi trường, tình hình phát triển kinh tế chung của địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục