Điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ siết chặt trừng phạt ngành dầu mỏ Iran?

09:57' - 30/04/2019
BNEWS Việc Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu mỏ của Iran

Mỹ thông báo sẽ chấm dứt cơ chế miễn trừ cho phép các nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu của Iran mà không phải chịu các biện pháp trừng phạt, một quyết định đe dọa bóp nghẹt hơn nữa nguồn cung dầu mỏ khi thị trường đã bị thắt chặt.

Toàn cảnh cơ sở lọc dầu Lavan của Iran ở đảo Lavan thuộc Vịnh Persian. Ảnh: AFP/TTXVN

Quyết định này cũng có thể làm lung lay thỏa thuận của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh như Nga nhằm hạn chế sản lượng cho đến cuối tháng Sáu tới để đẩy giá dầu lên và giải quyết tình trạng dư cung.
* Điều gì đã xảy ra?
Ngày 22/4, Mỹ thông báo sẽ không gia hạn miễn trừ trừng phạt đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu của Iran sau khi quy chế này hết hiệu lực vào ngày 2/5 tới nhằm siết chặt các biện pháp trừng phạt, gây thiệt hại cho ngành dầu mỏ, vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của Iran.

Với động thái mới nhất này, Nhà Trắng tuyên bố muốn "đưa xuất khẩu dầu của Iran về con số không".
Phát biểu với các phóng viên sau khi Nhà Trắng thông báo chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt nhằm gây áp lực đối với Iran về chương trình hạt nhân của nước này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói không có giai đoạn "ưu đãi" đối với các nền kinh tế được cấp quy chế miễn trừ trừng phạt khi nhập khẩu dầu mỏ của Iran mà quy chế này sẽ dừng lại hoàn toàn.
Hồi tháng 11/2018, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và sáu cường quốc thế giới.

Tuy nhiên, Mỹ đã cấp quy chế miễn trừ cho tám nước và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong sáu tháng tiếp theo với số lượng hạn chế bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy  và Hy Lạp.
*Khách hàng mua dầu của Iran bị tác động ra sao?
Những khách hàng nói trên của Iran có thể phải tìm các nguồn cung thay thế. Các cơ sở lọc dầu của Ấn Độ đã tìm kiếm các nguồn cung dầu mỏ khác cho tháng tới như một kế hoạch dự phòng.

Công ty dầu mỏ nhà nước Indian Oil Corp., khách hàng mua nhiều dầu mỏ của Iran nhất tại Ấn Độ, cho biết có thể mua bổ sung theo hợp đồng với Kuwait, Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất), Saudi Arabia và Mexico.

Trung Quốc, nước mua dầu mỏ của Iran nhiều nhất đã nhắc lại quan điểm phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương mà Mỹ vừa thông báo.
*Ảnh hưởng như thế nào đến thị trường?
Giám đốc quản lý của Petromatrix, Olivier Jakob, cho rằng việc hạn chế năng lực sản xuất của Iran sẽ khiến thị trường sẽ bị thắt chặt hơn nữa, nhất là khi đang có những rủi ro về nguồn cung ở Libya  và Venezuela.

Những xung đột gần đây ở Libya đã khiến xuất khẩu dầu của nước này gặp thách thức, trong khi xuất khẩu dầu của Venezuela giảm do khủng hoảng chính trị.
Ngay sau quyết định của Mỹ, giá dầu đã được đà tăng mạnh và chạm mức cao nhất trong năm nay khi dầu Brent tại London tăng lên 74,52 USD/thùng (mức cao nhất từ 1/11/2018) và tiếp tục leo lên 74,58 USD/thùng trên thị trường châu Á trong phiên kế tiếp (23/4).

Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tại New York leo lên 65,92 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 31/10/2018.
*Ai có thể bù vào phần thiếu hụt?

Tổng thống Trump tuyên bố Saudi Arabia và các nước khác trong OPEC sẽ bù đắp nhiều hơn sự thiếu hụt dòng chảy dầu mỏ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 22/4, Tổng thống Mỹ cho biết Saudi Arabia và các nước thành viên khác trong OPEC sẽ dễ dàng giúp bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt nào trong nguồn cung dầu mỏ thế giới sau khi ông quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả tám nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran.
Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump tuyên bố "Saudi Arabia và các nước khác trong OPEC sẽ bù đắp nhiều hơn sự thiếu hụt dòng chảy dầu mỏ do các biện pháp trừng phạt đầy đủ hiện nay của chúng ta đối với dầu của Iran".
Mỹ nói rằng đã nhận được cam kết từ các nước sản xuất, trong đó có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) về việc sẽ bù vào phần dầu thô thiếu hụt từ Iran.

Theo các nguồn tin thân cận, Saudi Arabia và UAE đã sẵn sàng tăng sản lượng bù vào phần sụt giảm từ phía Iran, với mức tăng tổng cộng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong giai đoạn ngắn.

Lượng dầu bổ sung này sẽ bù nhiều hơn phần giảm từ Iran, với khoảng 1,1 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ được xuất khẩu mỗi ngày trong nửa đầu tháng Tư, theo số liệu của Bloomberg.
Sau thông báo của Mỹ, Saudi Arabia cam kết sẽ hợp tác với các nước sản xuất dầu mỏ khác để đảm bảo đủ nguồn cung.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al Falih cho biết nước này sẽ phối hợp với các nước sản xuất dầu mỏ khác để đảm bảo đủ nguồn cung, đồng thời không làm mất cân bằng trên thị trường dầu mỏ.

Ông cho biết Saudi Arabia đang giám sát chặt chẽ những diễn biến thị trường dầu mỏ sau tuyên bố của Chính phủ Mỹ.
*Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ có bị lung lay?
Quyết định của Mỹ sẽ khiến OPEC và các nước đồng minh gặp khó khăn hơn trong việc duy trì thỏa thuận cắt giảm nguồn cung. Nga đã ngỏ ý rằng không cần gia hạn thỏa thuận này sau khi hết hạn vào tháng Sáu tới và trong báo cáo Triển vọng 5 năm, Bộ Kinh tế nước này dự báo sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của nước này sẽ tăng nhẹ trong năm nay.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện nay do Saudi Arabia dẫn dắt, sau khi Mỹ cấp quy chế miễn trừ vào năm ngoái đã gây bán tháo và khiến dầu mỏ xuống giá. Kể từ sau đó, Saudi Arabia và Nga đã dẫn dắt liên minh được gọi là OPEC+ trong nỗ lực cắt giảm mạnh sản lượng.

Tuy nhiên, nếu Saudi Arabia cam kết tăng sản lượng ở một mức nhất định để bù vào phần thiếu hụt từ Iran, việc thuyết phục các nước khác hạn chế sản lượng của họ sẽ là điều khó khăn.
Các nước sản xuất dầu mỏ dự kiến sẽ nhóm họp vào tháng 5/2019 để đánh giá tình hình thị trường và một lần nữa vào tháng Sáu để quyết định có gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục