Diện tích liên kết sản xuất lúa tại Đồng Tháp giảm hơn 6.000 ha

12:56' - 19/04/2019
BNEWS Diện tích lúa thực hiện liên kết từ đầu năm đến nay đạt thấp và chỉ có 4/13 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong tỉnh tham gia liên kết với nông dân.
Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười. Ảnh : Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019 tỉnh Đồng Tháp xuống giống hơn 205.000 ha, đạt 100% kế hoạch, năng suất trung bình 7 tấn/ha, sản lượng hơn 1,36 triệu tấn; trong đó liên kết tiêu thụ lúa hơn 18.000 ha, đạt 9% diện tích xuống giống, giảm hơn 6.000 ha so cùng kỳ năm 2018.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, diện tích lúa thực hiện liên kết từ đầu năm đến nay đạt thấp và chỉ có 4/13 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong tỉnh tham gia liên kết với nông dân. 

Nguyên nhân một phần là do nông dân sản xuất nhỏ lẻ, ít quan tâm đến các quy trình sản xuất an toàn; chưa có hợp tác xã đủ mạnh đứng ra thu gom lúa để cung cấp cho doanh nghiệp…

Do giá lúa xuống thấp ngay thời điểm bước vào thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, nhiều hộ dân không có điều kiện trữ lúa và không có liên kết tiêu thụ nên lợi nhuận giảm từ 5 - 7 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm 2018. Ước giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo đạt trên 7.300 tỷ đồng, giảm gần 800 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Mặc dù UBND tỉnh Đồng Tháp có ban hành nghị quyết chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhưng hiện nay sự liên kết chủ yếu là trực tiếp giữa hộ nông dân với doanh nghiệp.

Các hợp tác xã nông nghiệp tham gia vào sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều.

Thực tế, sự hình thành liên kết sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm truyền thống.

Mặt khác, quá trình hợp tác liên kết giúp hỗ trợ các hợp tác xã củng cố hoạt động có hiệu quả hơn, doanh nghiệp thu mua nông sản được ổn định, hạn chế được rủi ro do giá cả thị trường biến động.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc liên kết sản xuất còn nhiều bất cập như: quy mô liên kết còn hạn chế, liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là giữa hộ nông dân với hộ kinh doanh, doanh nghiệp; số hợp tác xã tham gia rất ít.

Tình trạng hủy hợp đồng, tranh chấp trong mua bán giữa người sản xuất và các đầu mối tiêu thụ vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân là do ở nhiều nơi, nhiều ngành hàng năng lực của các tổ chức nông dân mà nòng cốt là các hợp tác xã còn nhiều hạn chế.

Vừa qua tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết như: Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết (chỉ áp dụng đối với xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị mới), tối đa không quá 300 triệu đồng; Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; Hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi liên kết … để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và tiến trình xây dựng nông thôn mới../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục