Điểm khác biệt của Chương trình giáo dục phổ thông mới

16:21' - 04/01/2019
BNEWS “Dạy học tích hợp” là một trong những điểm khác biệt của Chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mới đây.

Việc dạy học tích hợp nhằm giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kĩ năng của nhiều lĩnh vực chuyên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong học tập và đời sống, qua đó giúp học sinh phát triển được những phẩm chất và năng lực mà Chương trình giáo dục phổ thông kì vọng.

“Dạy học tích hợp” là một trong những điểm khác biệt của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh : Vũ Xuân Triệu - TTXVN

* Vận dụng kiến thức tổng hợp giải quyết vấn đề thực tiễn

Lý giải việc sẽ triển khai dạy học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông chia sẻ: Trong tự nhiên và xã hội, mọi sự vật, hiện tượng là một thể thống nhất.

Việc chia ra các lĩnh vực khoa học (hay các môn học) là để nghiên cứu sâu sự vật và hiện tượng ở từng phương diện nhất định.

Tuy nhiên, khi giải quyết một vấn đề của thực tiễn (tự nhiên hay xã hội) đòi hỏi người xử lý phải có kiến thức tổng hợp thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau.

Mặt khác, kho tàng kiến thức của nhân loại càng ngày càng tăng trong khi thời gian học tập ở nhà trường phổ thông thì có hạn, giáo dục phổ thông cần có giải pháp thích hợp để giải quyết mâu thuẫn này.

Chính vì vậy, từ hàng chục năm nay, các nước có nền giáo dục tiên tiến đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có dạy học tích hợp, mức cao nhất là xây dựng các môn học tích hợp.

Giải pháp này phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực của người học, bởi vì năng lực là kết quả huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện thành công hoạt động thực tiễn, dạy học tích hợp giúp học sinh rút ngắn quá trình tổng hợp này, đồng thời góp phần “giảm tải” chương trình.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng nhấn mạnh: Tiến trình dạy học theo hướng tích hợp cao ở lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên phù hợp với quy luật nhận thức của con người là đi từ tổng thể đến chi tiết, từ những vấn đề khái quát đến những vấn đề chuyên sâu.

Việc dạy học tích hợp sẽ tránh được sự trùng lặp kiến thức nếu dạy ở nhiều môn học, góp phần giảm tải so với chương trình hiện hành. Trong thực tiễn dạy học lâu nay, nhiều giáo viên đã vận dụng cách dạy học tích hợp.

Tuy nhiên, khi quan điểm tích hợp được quán triệt ngay từ khâu thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa thì giáo viên sẽ vận dụng thuận lợi hơn, việc dạy học sẽ hiệu quả hơn so với cách làm tùy thuộc nhiều vào sự vận dụng của từng cá nhân giáo viên.

Hiện nay, dạy học tích hợp đã và đang được thực hiện ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu của thế giới, mức độ tích hợp khá đa dạng.

Số nước có môn Khoa học tự nhiên (Science) thay cho 3 môn học riêng rẽ là Vật lí, Hoá học và Sinh học ở cấp Trung học cơ sở chiếm tỉ lệ cao trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền giáo dục phát triển như: Anh, Australia, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Thụy Sỹ…

Việc tích hợp Lịch sử và Địa lí thành một môn học (Lịch sử và Địa lí hoặc Khoa học xã hội, Nghiên cứu xã hội) không phổ biến như môn Khoa học tự nhiên nhưng cũng đã được thực hiện ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển như Australia, Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Singapore…

Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam thực hiện dạy học tích hợp theo ba định hướng.

Một là, tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau, giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kĩ năng trong cùng một môn học.

Hai là, tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau; ở mức thấp là liên hệ kiến thức được dạy với những kiến thức có liên quan trong dạy học; ở mức cao là xây dựng các môn học tích hợp.

Ba là, tích hợp một số chủ đề quan trọng (ví dụ: các chủ đề về chủ quyền quốc gia, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, giáo dục tài chính,…) vào nội dung chương trình nhiều môn học.

* Bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu

Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam thực hiện dạy học tích hợp theo ba định hướng. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Trong việc triển khai ba định hướng của dạy học tích hợp, điều được dư luận quan tâm nhiều là các môn học tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí) ở cấp Trung học cơ sở.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Những người biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông mới đã lựa chọn phương án tích hợp phù hợp với mỗi môn học để phát huy hiệu quả của dạy và học, đồng thời bảo đảm kiến thức cốt lõi của mỗi ngành khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế bước đầu thực hiện dạy học tích hợp ở nước ta.

Chương trình môn Khoa học tự nhiên được thiết kế thành 4 mạch chủ đề chung: Chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời.

Mỗi chủ đề nói trên vận dụng kiến thức của một ngành khoa học, tạo điều kiện cho giáo viên vốn được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm có thể thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, chương trình còn có một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như biến đổi khí hậu, giáo dục sức khoẻ, giáo dục STEM, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...

Chương trình môn Lịch sử và Địa lí gồm hai phân môn Lịch sử, Địa lí. Nội dung của mỗi phân môn vừa bảo đảm tính độc lập tương đối vừa góp phần soi sáng, hỗ trợ cho nhau.

Bên cạnh đó, chương trình còn tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, Các cuộc đại phát kiến địa lí, Đô thị - Lịch sử và hiện tại, Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long.

Với phương thức và mức độ tích hợp của chương trình các môn học này, các tổ chuyên môn phân công giáo viên dạy mạch chủ đề phù hợp với chuyên môn của mình trên cơ sở bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các giáo viên trong việc dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đây là giải pháp mà các nước phát triển như Anh, Hoa Kì vẫn thực hiện từ trước đến nay.

Giới thiệu về cách tổ chức dạy học tích hợp ở bậc Trung học cơ sở, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Chương trình môn “Lịch sử và Địa lí” được thiết kế theo các phần Lịch sử và Địa lí tương đối độc lập; ở mỗi lớp 7,8,9 có 1 chủ đề chung (từ 6-10 tiết).

Vì vậy, việc bố trí giáo viên dạy môn này cơ bản không thay đổi so với chương trình hiện hành. Đối với các chủ đề chung, 2 giáo viên cùng dạy 1 lớp sẽ phối hợp với nhau để thực hiện.

Với môn Khoa học tự nhiên, chương trình của các lớp 6, 7, 8, 9 đều có 3 phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lí, Sinh học, Hóa học.

Tổng số tiết của 3 môn Vật lí, Hóa học, Sinh học trong chương trình hiện hành là 595 tiết, tổng số tiết của môn Khoa học tự nhiên là 560 tiết, giảm 35 tiết.

Tỉ lệ thời lượng giữa các lĩnh vực có dao động chút ít so với chương trình hiện hành nhưng không ảnh hưởng lớn đến cơ cấu giáo viên.

Các giáo viên được phân công phụ trách các mạch kiến thức: “Chất và sự biến đổi của chất” – giáo viên Hóa học phụ trách; “Vật sống”, “Trái đất và bầu trời” lớp 8, 9 – giáo viên Sinh học phụ trách; “Năng lực và biến đổi”, “Trái đất và bầu trời” lớp 6 – giáo viên Vật lí phụ trách.

Tổ chuyên môn (bao gồm giáo viên của ba môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) phân công giáo viên phụ trách và dạy đồng thời ở nhiều lớp.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng chia sẻ: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đối với giáo viên hiện hành, việc bồi dưỡng tập trung vào nâng cao năng lực sư phạm của giáo viên để thực hiện tốt phương pháp dạy học tích cực. Trước hết, ngành tập trung bồi dưỡng 25% số giáo viên để dạy lớp 6 và cuốn chiếu cho các năm tiếp theo.

Bộ khuyến khích và có chế độ cho các giáo viên tự nguyện đăng ký học thêm các học phần bổ sung kiến thức chuyên môn để có thể đảm nhận từ 2 phân môn, tiến tới đảm nhận toàn bộ chương trình môn học.

Đối với đào tạo giáo viên mới, các trường sư phạm đã có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo giáo viên dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Các trường cũng xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên đơn môn để dạy các môn học này.

Những giáo viên có điều kiện và nguyện vọng có thể theo học chương trình bồi dưỡng ở trường sư phạm, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để tiến tới đảm nhiệm được việc dạy toàn bộ môn học.

Chương trình bồi dưỡng được tổ chức thực hiện theo hình thức tích lũy tín chỉ nên giáo viên có thể sắp xếp thời gian hợp lí để theo học và hoàn thành chương trình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục