Đi tìm tên cho gạo hữu cơ Trà Vinh

09:12' - 23/03/2019
BNEWS Sản phẩm lúa hữu cơ ở hai xã đảo xã Long Hòa và Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh nổi tiếng là gạo ngon.

Thế nhưng, qua gần 10 năm sản xuất, gạo hữu cơ của hai xã đảo vẫn chưa có được một thương hiệu cho mình.

Ruộng lúa hữu cơ kết hợp nuôi thủy sản 1ha của gia đình ông Lê Văn Triều, xã Long Hòa cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Thanh Hòa – TTXVN

Chương trình xây dựng cánh đồng lúa hữu cơ 1.000 ha cho hai xã đảo của tỉnh theo đó vẫn không thực hiện được vì chưa thực sự có được đầu ra bền vững.

Năm 2010, để phá bỏ phương thức sản xuất độc canh cây lúa mùa, nuôi con tôm sú 2 vụ trong năm kém hiệu quả kinh tế và gặp nhiều rủi ro, UBND của xã Long Hòa và Hòa Minh mạnh dạn chủ trương chuyển cơ cấu sản xuất, áp dụng mô hình sản xuất trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, nhằm đảm bảo tính hiệu quả kinh tế và tránh được rủi ro về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.

Nhờ cây lúa được trồng ít sử dụng phân hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên hạt gạo lúa mùa của 2 xã đảo trở thành sản phẩm gạo sạch, dẻo ngon và nhanh chóng được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng.

Cùng với hạt gạo, con tôm nuôi của xã Long Hòa và Hòa Minh được sống trong môi trường được cây lúa “dung nạp” hết chất bả hữu cơ dư thừa tích tụ, không bị ô nhiễm nên phát triển nhanh, ít xảy ra dịch bệnh, đem lại sự an toàn trong sản xuất và đảm bảo về hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Tiếng lành về gạo sạch của 2 xã đảo Long Hòa và Hòa Minh được đồn xa, năm 2012, Công ty Cọp Sinh Thái và Công ty Hồng Tin ở Thành phố Hồ Chí Minh tìm xuống tận nơi để ký kết hợp đồng sản xuất theo một quy trình khoa học kỹ thuật tiên tiến hơn là tạo ra hạt lúa hữu cơ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với lúa bình thường.

Mô hình sản xuất xen canh lúa - tôm, lúa - tôm càng xanh trên vùng đất 2 xã đảo cũng từ đó phát triển dần lên.

Từ vài hộ dân ban đầu sản xuất mô hình lúa – tôm đã phát triển nhanh chóng lên vài trăm hộ, hình thành nhiều tổ hợp tác trồng lúa hữu cơ, với tổng diện tích hơn 200 ha.

Với giá bao tiêu của doanh nghiệp lúa hữu cơ giống ST5 12.600 đồng/kg, cây lúa cho năng suất bình quân 5 tấn/ha, nông dân thu lãi ròng 32 triệu đồng/ha.

Cùng với lợi nhuận từ lúa, nông dân còn có thu nhập thêm trên cùng diện tích canh tác từ nguồn tôm nuôi kết hợp từ 80 – 100 triệu đồng/ha/năm.

Với hiệu quả kinh tế mang lại và tính bền vững trong sản xuất nên từ năm 2015, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đề ra chương trình phát triển vùng lúa hữu cơ ở 2 xã Long Hòa và Hòa Minh lên 1.000 ha.

Tuy nhiên đến nay, chương trình này vẫn chưa thực hiện được, nguyên nhân chủ yếu là hạt lúa hữu cơ vẫn chưa kết nối bền vững được với doanh nghiệp để bao tiêu, thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo hữu cơ Long Hòa – Hòa Minh.

Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, Công ty Cọp Sinh Thái và Công ty Hồng Tin hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa hữu giảm dần diện tích.

Tính đến vụ lúa 2018, tổng diện tích lúa hữu cơ ở 2 xã đảo Long Hòa và Hòa Minh chỉ còn gần 130 ha, giảm hơn 70 ha.

Nông dân Nguyễn Văn Thái, Tổ trưởng Tổ sản xuất lúa hữu cơ ấp Bà Liêm, xã Hoà Minh cho biết, đây là sự thiệt thòi cho nông dân.

Bởi để được chứng nhận chất lượng lúa hữu cơ, nông dân phải áp dụng kỹ thuật canh tác sạch, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật liên tục trong 3 vụ lúa liên tiếp trong 3 năm thì đất ruộng trồng lúa mới được công nhận thực sự là nền ruộng hữu cơ.

Do doanh nghiệp bao tiêu diện tích lúa hữu cơ ít, nhiều nông dân đã phải bỏ công 3 năm xây dựng nền ruộng hữu cơ để chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

Ông Võ Minh Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, mùa vụ sản xuất năm 2019 vẫn chưa biết Công ty Cọp Sinh Thái và Công ty Hồng Tin sẽ hợp đồng bao tiêu bao nhiêu diện tích lúa hữu cơ.

Để giữ lấy nền ruộng hữu cơ, không phá vỡ chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiệu quả ở hai xã đảo, UBND huyện Châu Thành đang vận động nông dân không nên bỏ nền ruộng hữu cơ đã tốn công lao xây dựng. Mặt khác, UBND huyện sẽ xúc tiến xây dựng mối liên kết “4 bốn nhà”.

Cụ thể, UBND huyện sẽ hỗ trợ cho xã Long Hòa và Hòa Minh giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm thị trường, vận động nông dân thành lập hợp tác xã, kết nối với doanh nghiệp để đầu tư khép kín quy trình từ sản xuất đến chế biến, thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho hạt lúa hữu cơ của 2 xã đảo.

UBND huyện Châu Thành sẽ áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp để mời gọi doanh nghiệp, với quyết tâm thực hiện hoàn thành chương trình xây dựng cánh đồng 1.000 ha lúa hữu cơ trên vùng đất xã đảo Long Hòa và Hòa Minh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục