Đề xuất tăng lương giáo viên cao nhất trong thang bậc lương

18:00' - 11/12/2018
BNEWS Ngày 11/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Đề xuất tăng lương giáo viên. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại Hội thảo, đa số ý kiến các đại biểu đồng tình với đề xuất tăng lương giáo viên, miễn học phí cho học sinh là phù hợp với thực tiễn, đồng thời cần nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học các nhà quản lý, giáo viên giảng dạy.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo, các đại biểu khẳng định: Đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp là hoàn toàn phù hợp vì Nghị quyết số 29 cũng quy định điều đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đội ngũ nhà giáo.

Tăng lương không chỉ giúp giáo viên tâm huyết, gắn bó với nghề mà còn thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm. Như vậy sẽ nâng cao được chất lượng đầu vào cho đội ngũ nhà giáo.

Trong thực tế hiện nay, khi giáo viên ra trường, bậc lương cao đẳng 3,5 triệu đồng/tháng, đại học 4 triệu đồng/tháng là rất thấp, trong khi giáo viên là nghề đặc thù, rất vất vả không chỉ giáo viên ở vùng khó khăn mà ngay cả khu vực thành phố cũng vậy.

Theo Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Giáo dục mầm non cần coi đây là giáo dục học đường.

Cần quan tâm đến chương trình giáo dục sức khoẻ, thẩm mỹ, thể dục, thể thao, múa, hát cho các cháu.

Giáo viên dạy mầm non phải có trình độ, kể cả ngoại ngữ, nhiều nước khác giáo dục mầm non có trình độ thạc sỹ và phải có chế độ lương bổng thoả đáng cho giáo viên.

Việc tăng tiền lương sẽ tạo động lực cho giáo viên tâm huyết, gắn bó với nghề, từng bước khắc phục tình trạng tuyển sinh ngành sư phạm có điểm thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng vẫn không thu hút được người học.

Đồng tình với với dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hữu Tri, Viện trưởng Viện Đào tạo- Nghiên cứu về Tổ chức và Hành chính nhận xét: Điều 30 Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, mục 1, Chương 3 tổ chức hoạt động của nhà trường và chương 7 đầu tư và tài chính giáo dục, trong điều kiện phát triển kinh tế của nước ta còn nghèo, sách dành cho giáo dục có hạn.

Vì vậy, đối với mẫu giáo, tiểu học và phổ thông cơ sở chỉ có trường công lập để đảm bảo bình đẳng và đào tạo nhân cách làm cho trẻ nhận thức được sự tốt đẹp của xã hội, không gieo vào nhận thức của trẻ nhỏ sự phân biệt giàu nghèo, bất bình đẳng.

Còn đối với phổ thông trung học, giáo dục nghề nghiệp và đại học bỏ bao cấp hoàn toàn. Chỉ giữ lại mỗi địa phương một vài trường trung học phổ thông công lập và trường đào tạo tài năng.

Các trường nghề nghiệp và đại học nên triệt để thực hiện xã hội hoá, còn các chính sách ưu tiên và chế độ do cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ở địa phương thực hiện chế độ chi trả trực tiếp cho đối tượng.

Tiêu chuẩn chế độ của người đi học không chuyển trực tiếp vào các cơ sở đào tạo mà chuyển trả cho cơ quan, địa phương để ai đi học ở đâu thì nộp tiền vào cơ sở đào tạo đó- ông Tri nhấn mạnh.

Tuy vậy, thực tiễn quá trình thực hiện Luật Giáo dục đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện do yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và khắc phục những bất cập của Luật Giáo dục hiện hành.

Hiện một số nội dung chính sách và điều khoản của Luật đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục theo định hướng mở, liên thông, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.

Một số nội dung cơ bản của hệ thống giáo dục được quy định trong Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi và bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục