Đề xuất hỗ trợ vốn nâng cấp cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản

10:04' - 29/10/2019
BNEWS Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, nếu đến ngày 1/10/2020, 4 cảng cá chỉ định không đáp ứng được các tiêu chí thì tàu sẽ không được phép cập cảng lên cá, chứng nhận nguồn gốc thủy sản.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 5 cảng cá gồm: Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ (đưa vào sử dụng năm 2007); Tịnh Kỳ, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi (đưa vào sử dụng năm 2016); cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn (đưa vào sử dụng năm 2007, đang đầu tư xây dựng giai đoạn 2); cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi (đưa vào sử dụng 2008) và cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á (đưa vào sử dụng 2010, đang đầu tư xây dựng giai đoạn 2).

Các cảng cá này đều chưa đáp ứng tiêu chí cảng cá loại II để được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định là cảng cá đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc hải sản từ khai thác.

Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện điều khoản chuyển tiếp (khoản 9, điều 73, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019) của Chính phủ quy định: “Cảng cá đang hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành tiếp tục được hoạt động và phải làm thủ tục đề nghị công bố mở cảng theo quy định trước ngày 1/10/2020” tạo điều kiện xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho hay, nếu đến ngày 1/10/2020, 4 cảng cá chỉ định gồm Tịnh Kỳ, Mỹ Á, Sa Huỳnh, Tịnh Hòa không đáp ứng được các tiêu chí thì tàu sẽ không được phép cập cảng lên cá, chứng nhận nguồn gốc thủy sản. Điều đó sẽ gây trở ngại lớn cho ngư dân khi tiêu thụ sản phẩm khai thác được.

Trước thực trạng trên, ông Hồ Trọng Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở đã đề xuất, tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện việc khắc phục, sửa chữa các hạng mục cần thiết theo thứ tự ưu tiên trong năm 2020 cho 4 cảng cá chỉ định Tịnh Kỳ, Mỹ Á, Sa Huỳnh, Tịnh Hòa. Đối với những hạng mục còn lại quy mô lớn, Sở sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.

Ông Trần Lê Hồng Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Quảng Ngãi thông tin, nguồn vốn ưu tiên đầu tư được bố trí cho hạng mục hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý nước thải. Còn nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư bố trí cho hạng mục nâng cấp, sửa chữa nhà điều hành; nhà phân loại cá; đường vào cảng và hai sân bê tông hóa dành riêng cho cảng Tịnh Kỳ.

“Dự trù kinh phí đầu tư trong năm 2020 cho 4 cảng cá chỉ định là khoảng hơn 31 tỷ đồng. Mỗi cảng sẽ được bố trí 1 tỷ đồng để thực hiện cơ giới hóa cảng tối thiểu 70%; 1,5 tỷ đồng đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy; 4 tỷ đồng đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, 2 tỷ đồng sẽ được bố trí xây nhà điều hành cho cảng cá Sa Huỳnh và 3 tỷ đồng còn lại sẽ phục vụ xây dựng nhà phân loại cá”, ông Sơn nói.

Việc khắc phục, sửa chữa, nâng cấp các cảng cá chỉ định là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh số lượng cảng cá ở địa phương này tương đối ít ỏi, nhiều chỗ thiếu trầm trọng. Điển hình như ở huyện Bình Sơn, vì không có cảng để cập, nhiều tàu cá buộc phải cho tàu di chuyển đến các cảng cá ngoài tỉnh như Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang để bán hải sản, bị thương lái “ép giá”, thậm chí không thu mua vì cho rằng sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp vì không có chứng nhận nguồn gốc từ cơ quan chức năng.

5 cảng cá trong tỉnh có sức chứa tối đa khoảng hơn 2.300 tàu (cảng Lý Sơn 500 chiếc; cảng Mỹ Á 400 chiếc; cảng Sa Huỳnh 500 chiếc; cảng Tịnh Kỳ 600 chiếc và cảng Tịnh Hòa 350 chiếc)./.

>> Bất cập hạ tầng nghề cá ở Quảng Bình

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục