Đề xuất điều chỉnh dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 12 tại Đắk Lắk

09:36' - 07/08/2019
BNEWS Nhiều năm qua tuyến đường này bị hư hỏng nghiêm trọng, ổ voi, ổ gà trên khắp mặt đường, dẫn đến khó khăn trong lưu thông, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tỉnh lộ 12 bị hư hỏng nghiêm trọng từ nhiều năm qua. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Trong quá trình thi công Dự án cải tạo, nâng cấp cục bộ Tỉnh lộ 12, qua huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, chủ đầu tư đã phát hiện nhiều bất cập có thể ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ của công trình và đề xuất điều chỉnh dự án.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc điều chỉnh dự án cần sớm được thống nhất để nhanh chóng hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Tuyến đường huyết mạch bị “tắc mạch”

Tỉnh lộ 12 có chiều dài 53 km, là tuyến đường huyết mạnh của huyện vùng sâu Krông Bông, nối liền trung tâm huyện với Quốc lộ 27 và trung tâm tỉnh Đắk Lắk. Tỉnh lộ 12 là tuyến đường có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện Krông Bông.

Tuy nhiên, nhiều năm qua tuyến đường này bị hư hỏng nghiêm trọng, ổ voi, ổ gà trên khắp mặt đường, dẫn đến khó khăn trong lưu thông, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tàu, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông cho biết, chuyển về sinh sống tại địa phương từ năm 1975, chứng kiến tuyến đường Tỉnh lộ 12 hư hỏng theo thời gian, mùa mưa thì nước đọng thành những vũng lớn, mùa khô thì bụi bay mù mịt, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.

Đặc biệt, việc di chuyển, buôn bán hàng hóa, thậm chí vận chuyển bệnh nhân cấp cứu lên các tuyến trên đều rất gian nan khi đi qua đoạn đường tỉnh lộ này.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Bông, ông Lê Văn Long nhận định, tuyến đường Tỉnh lộ 12 là tuyến huyết mạnh kết nối kinh tế, xã hội của huyện Krông Bông với các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, do tuyến đường này bị xuống cấp trầm trọng nhiều năm nay đã gây khó khăn cho địa phương trong việc phát triển kinh tế, xã hội.

Krông Bông là huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk, bà con chủ yếu làm nông nghiệp, cũng do đường xấu mà việc vận chuyển hàng hóa khó khăn dẫn đến nông sản bị tư thương ép giá, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của nhân dân.

“Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp muốn đầu tư lâu dài vào địa bàn huyện nhưng khi khảo sát thực tế, nhận thấy tuyến đường xuống cấp trầm trọng ảnh hưởng đến giao thương hàng hóa nên quyết định không đầu tư. Điều này làm mất đi nhiều cơ hội phát triển kinh tế của huyện chỉ vì lý do đường xấu”, ông Long cho biết.

Do bị xuống cấp trầm trọng, tuyến đường huyết mạch đã bị “tắc mạch” trong vai trò kết nối với các địa phương khác, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện vùng sâu Krông Bông.

Xuất phát từ thực tế trên, năm 2017, tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt dự án Cải tạo, nâng cấp cục bộ Tỉnh lộ 12, đoạn từ km0 đến km13+869 với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.

Tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm Chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 – 2020.

Nhiều bất cập và ý kiến trái chiều xung quanh dự án

Trong quá trình thi công dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện nhiều bất cập có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình, do đó đã đề xuất điều chỉnh dự án nhằm phù hợp với thực tế và đảm bảo tính bền vững của công trình.

Ông Phạm Văn Hạ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, về quy mô dự án có tổng chiều dài 13,869 km; trong đó, xây dựng mới 8,48 km kết cấu cấp phối đá dăm láng nhựa, 0,4 km mặt đường bê tông xi măng, còn lại 4,989 km sửa chữa ổ gà, láng nhựa.

Tỉnh lộ 12 bị hư hỏng nghiêm trọng từ nhiều năm qua khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Theo ông Hạ, trong quá trình thi công, chủ đầu tư nhận thấy những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện dự án.

Cụ thể, với quy mô dự án đã được phê duyệt và đang thi công, kết cấu mặt đường này chưa đảm bảo chịu lực, nhạy cảm với điều kiện thời tiết bất thường và sự tập trung của xe tải nặng dẫn đến suy giảm tuổi thọ công trình.

Đối với 4,989 km sửa chữa ổ gà, láng nhựa, hiện đã hư hỏng nặng, không còn khả năng sửa chữa, khôi phục lại nên không đảm bảo tính bền vững và đồng bộ trên toàn tuyến.

“Nếu thi công theo quy mô của dự án đã được phê duyệt thì chất lượng đường không cao, ảnh hưởng đến tuổi thọ và hiệu quả của dự án”, ông Hạ cho biết.

Nhằm khắc phục những bất cập của dự án, đảm bảo tính lâu dài sau khi đưa vào khai thác, chủ đầu tư đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk điều chỉnh dự án.

Cụ thể, đối với phần xây dựng mới 8,48 km kết cấu cấp phối đá dăm láng nhựa thành bê tông nhựa nóng 19, dày 7 cm.

Đối với phần sửa chữa vá ổ gà, láng nhựa dài 4,989 km điều chỉnh thành kết cấu mặt đường xây dựng mới. Giá trị điều chỉnh bổ sung tăng trên 39 tỷ đồng, tăng tổng mức đầu tư lên trên 79 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc của Tỉnh ủy Đắk Lắk với Huyện ủy Krông Bông ngày 19/4/2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Bông cũng kiến nghị cần bố trí thêm kinh phí để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 12 nhằm đảm bảo chất lượng công trình, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Căn cứ vào đề xuất của địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn giao Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, bố trí thêm kinh phí để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo đồng bộ toàn tuyến.

Tháng 7/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức khảo sát thực tế đối với dự án cải tạo, nâng cấp cục bộ Tỉnh lộ 12.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã nhận định, với phương án thiết kế kết cấu mặt đường theo quy mô đang thi công sẽ không đảm bảo tính đồng bộ trên toàn tuyến, dễ bị suy giảm tuổi thọ công trình, phải tiếp tục sửa chữa, cải tạo sẽ gây lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh sớm chỉ đạo khắc phục các bất cập của dự án nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả đầu tư…

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hạ cho rằng, nếu điều chỉnh dự án tại thời điểm hiện tại sẽ đảm bảo được độ bền vững của công trình, đồng thời giảm tổng mức đầu tư cho cả hai giai đoạn khoảng 12 tỷ đồng.

“Nếu đầu tư giai đoạn 2 để phủ lên dự án hiện tại sẽ lãng phí thời gian làm các thủ tục và chi phí chuẩn bị dự án, đồng thời làm chậm thời gian đưa tuyến đường vào khai thác, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế, xã hội của dự án” ông Hạ nói.

Trước những bất cấp và nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự án. Thiết nghĩ, tỉnh Đắk Lắk cần có sự tính toán kỹ lưỡng, đưa ra giải pháp hợp lý vừa đảm bảo chất lượng của công trình và tính bền vững sau khi đưa vào khai thác.

Đặc biệt, sớm đưa công trình vào hoạt động để phục vụ nhu cầu bức thiết của nhân dân, cũng như đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của huyện vùng sâu Krông Bông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục