Để nông sản sạch đến tay người tiêu dùng

07:05' - 04/11/2019
BNEWS Theo Viện Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam thời gian qua còn mang tính tự phát, sản xuất với quy mô nhỏ lẻ nên khó có thể phát triển ổn định, bền vững.
Nông dân huyện Châu Thành (Trà Vinh) đầu tư nhà lưới và hệ thống trồng rau thủy canh. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Với phương thức canh tác hạn chế tối đa việc sử dụng hoá chất và các nguồn hữu cơ được tái sử dụng một cách triệt để, nông nghiệp hữu cơ và những sản phẩm của nó đang là một trong những hướng đi của nông nghiệp Việt Nam.

Nhưng hiện những sản phẩm nông nghiệp “sạch” này vẫn khó khăn khi tiếp cận tới tay người tiêu dùng.

Theo Viện Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam thời gian qua đa phần còn mang tính tự phát, sản xuất với quy mô nhỏ lẻ nên khó có thể phát triển ổn định, bền vững.

Hiện nay, nhiều nông dân vẫn chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập từ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa được chứng minh.

Ông Lê Thành Hưng, Viện Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam cho hay, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần có thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Ngoài ra, sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bón tổng hợp, áp dụng kỹ thuật cao cũng như các quy trình kiểm soát khắt khe, thị trường tiêu thụ lại chưa được cam kết.

Đặc biệt, chi phí sản xuất lớn nhưng năng suất không cao đang là những rào cản phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Mặc dù vậy, ông Hưng vẫn cho rằng, để hướng tới nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, các nhà quản lý đã và đang đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Trong đó phải kể đến Bộ tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ, bởi đây chính là công cụ giúp đảm bảo an toàn và đảm bảo sức khoẻ cho người sử dụng, đồng thời bảo vệ môi trường.

“Đối với các doanh nghiệp, bộ tiêu chuẩn này giúp kiểm soát chất lượng, quản lý toàn diện, thiết lập được các quy trình sản xuất, các thủ tục liên quan cho mỗi quy trình. Quan trọng hơn, các quy định về tiêu chuẩn quốc gia giúp doanh nghiệp kịp thời phát hiện những sản phẩm không đạt yêu cầu. Đồng thời giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hướng tới đáp ứng và thoả mãn nhu cầu của khách hàng”, ông Hưng cho biết.

Theo bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm Việt Nam, người tiêu dùng đang có những yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe và bảo vẹ môi trường.

Bởi vậy, doanh nghiệp luôn tìm giải pháp liên kết với người trồng để tạo ra những sản phẩm hữu cơ, không hóa chất, tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn từ sản xuất đến bàn ăn, tuân thủ các hoạt động và thực hành kinh doanh bền vững và đạo đức khác.

Tuy nhiên, bà Hằng cũng cho rằng, hiện có rất nhiều các sản phẩm giả, nhái nông sản sạch. Do vậy, khó khăn ở đây là phải nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý cho người tiêu dùng liên quan đến việc xác định, lựa chọn và tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khoẻ của chính họ.

Người tiêu dùng cũng cần được tuyên truyền để có những nhận biết liên quan đến các tiêu chuẩn, logo, nhãn mác và xử lý khi gặp các nhãn mác nhái thương hiệu.

Đồng thời cần có những chế tài xử lý mạnh tay với hành động làm nhái nông sản sạch, bà Hằng nói thêm.

Thời gian qua, Tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế  (Consumers International - CI) đã tiến hành nhiều khảo sát đối với người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Tại Việt Nam, khi tiến hành khảo sát 150 người tiêu dùng ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, kết quả cho thấy, có đến 88% người tiêu dùng cho rằng, chứng nhận nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm hữu cơ là yếu tố quan trọng nhất khi họ đưa ra quyết định mua, tiêu dùng thực phẩm cho gia đình.

Theo ông Phạm Đức Minh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eco Footprint - doanh nghiệp đã có nhiều năm tham gia thị trường nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam cho biết, với tôn chỉ kinh doanh xanh, sạch, thân thiện với môi trường, doanh nghiệp luôn nỗ lực tìm kiếm và phát triển đa dạng các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với tiêu chí thân thiện với môi trường, an toàn với con người, góp phần nâng cao dân trí nông nghiệp, từ đó nâng cao sản lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.

“Để sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ từng bước có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam, ngoài việc có các cơ chế chính sách mang tính định hướng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này rất cần thiết có 1 sân chơi chung để kết nối, giao thương và chia sẻ những sản phẩm tốt, nhân rộng và quảng bá sản phẩm chất lượng để người nông dân biết, từ đó tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn trên thị trường”, ông Minh chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm và có xu hướng sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, thì rất cần nhà nước có các cơ chế để kiểm soát tốt hơn các sản phẩm giả, nhái, đồng thời cùng với doanh nghiệp có những hỗ trợ tuyên truyền, triển lãm giới thiệu các sản phẩm sạch, có chứng nhận trên thị trường.

Từ đó, không những giúp doanh nghiệp tiếp cận được người tiêu dùng mà cũng giúp cho người tiêu dùng có thêm những hiểu biết, thông tin về các sản phẩm sạch…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục