Đẩy mạnh triển khai Đề án thúc đẩy kinh tế chia sẻ

13:51' - 10/10/2019
BNEWS Đề xuất các phương thức quản lý đối với các mô hình kinh tế chia sẻ nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích các bên tham gia vào mô hình kinh tế này.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 10/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)  tổ chức Hội thảo Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ để hỗ trợ các bộ ngành và đơn vị liên quan triển khai đề án.

Mục tiêu của hội thảo nhằm nhận dạng và áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong hai lĩnh vực lớn là ngân hàng và giao thông vận tải; đề xuất các phương thức quản lý đối với các mô hình kinh tế chia sẻ nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích các bên tham gia vào mô hình kinh tế này. Hội thảo còn giúp các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp có nhìn nhận toàn diện và khách quan hơn về mô hình này.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Phụ trách CIEM nhấn mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới, đồng thời cho phép thử nghiệm các mô hình tiên phong. Thay vì tư tưởng không quản được thì cấm, mà nên dỡ bỏ các rào cản pháp lý không còn phù hợp.

TS. Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, CIEM đã giới thiệu nội dung chính của đề án và các quan điểm, định hướng quản lý nhà nước thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hải, kinh tế chia sẻ ở Việt Nam chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước nhưng cũng có tiềm năng lớn phát triển. Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện như dịch vụ vận tải trực tuyến từ 2014 (Uber, Grab, dichung…); dịch vụ chia sẻ phòng có khoảng 6.500 cơ sở Airbnd. Nhiều dịch vụ khác cũng đã xuất hiện như: du lịch Tiip.me, dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng; dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng….

Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước,các loại dịch vụ kinh tế chia sẻ lại không có một quy định chung mà là những chính sách thể hiện cụ thể ở từng lĩnh vực. Chỉ ra một số bất cập và nguyên nhân, TS. Nguyễn Mạnh Hải cho rằng, việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc dẫn đến lúng túng trong việc xác định bản chất giao dịch để áp thuế do hoạt động này vẫn chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh.

Bên cạnh đó, khung pháp lý về hoạt động kinh doanh hiện chưa có các quy định hay điều chỉnh các hoạt động kinh doanh “chia sẻ”. Luật Công nghệ thông tin chưa có quy định đối với các cá nhân hay tổ chức nước ngoài có hợp tác, kinh doanh không có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Đặc biệt, là khoảng trống pháp lý với loại hình kinh tế này. Bởi hiện nay chưa có quy định pháp luật liên quan đến kinh tế chia sẻ, các chính sách quy định về nghĩa vụ tài chính và các chính sách khác; còn thiếu các chính sách đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể; thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng; thiếu cơ chế, chính sách quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới và thiếu quy định về an toàn thông tin.

Trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ chế quản lý thử nghiệm (“Regularoty Sandbox”) cho phép các công ty khởi nghiệp và tổ chức đổi mới sáng tạo được thực hiện thử nghiệm sản phẩm, giải pháp trong một môi trường được kiểm soát và giám sát chặt chẽ trước khi cung ứng ra thị trường.

“ Ngân hàng Nhà nước luôn chủ động trong việc hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tiến hành xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Đề án được phê duyệt sẽ tạo cơ chế phù hợp để quản lý và giúp các doanh nghiệp có cơ hội thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ có tính đổi mới, sáng tạo, cũng như bảo vệ người sử dụng nhằm bước đầu triển khai cơ chế này.”, ông Sơn cho biết thêm.

Đối với các hoạt động cho vay ngang hàng (“P2P”), Tiến sỹ Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước đề xuất, cần phải bổ sung P2P vào lĩnh vực kinh doanh có điều kiện; có cơ chế đăng ký giấy phép rõ ràng với các công ty P2P, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, đưa ra các giới hạn để quản lý rủi ro, ví dụ như hạn mức tín dụng, loại hình cho vay….

Thêm vào đó, TS. Hòe đề xuất cần làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và người vay trong việc tìm hiểu rõ hoạt động của công ty P2P, cũng như các điều khoản sử dụng, hợp đồng trước khi vay và trong quá trình cho vay. Không nên cho phép gửi vốn vào các công ty P2P dưới dạng gọi vốn cộng đồng, vì đây là hành vi trái luật. Việc làm rõ các quy tắc vận hành cũng như trách nhiệm của các bên liên quan là tiền đề quan trọng để phát huy tính hiệu quả của loại hình kinh doanh còn mới này.

Trong lĩnh vực vận tải, chuyên gia Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật, nhận xét: “Các quy định cũ về định danh dịch vụ, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, hợp đồng, thuế đã trở nên chật hẹp với những phát triển mới của kinh tế nền tảng.

Chính phủ nên tiếp cận theo hướng cởi bỏ các điều kiện kinh doanh thay vì áp dụng các điều kiện kinh doanh gò bó của mô hình kinh doanh truyền thống lên các mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo; đồng thời, trong quá trình quản lý các nền tảng, cần chú trọng xem xét các điều kiện giao dịch chung, đặc biệt trong việc phân định trách nhiệm các bên để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ các đối tác yếu thế trong giao dịch.

Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019. Mục tiêu của Đề án là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển kinh tế số./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục