Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản: "Lực đẩy" khơi thông thị trường

18:01' - 16/06/2018
BNEWS Việc liên kết với doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ với đơn vị sản xuất, đặc biệt là những hợp tác xã, làng nghề còn giúp hạn chế tình trạng sản xuất và tiêu thụ nông sản theo kiểu chạy theo thị trường...
Vải lai U chín sớm và vải lai Trứng chín sớm tại Hưng Yên bán được giá cao gấp 2 - 3 lần so với các vùng trồng vải khác. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Mặc dù là quốc gia chủ yếu làm nông nghiệp nhưng đến nay, việc liên kết giữa các hợp tác xã nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm vẫn còn khá lỏng lẻo.

Điều này dẫn đến thực trạng nông sản Việt Nam thường xuyên rơi vào cảnh "được mùa mất giá", "cung vượt quá cầu" và liên tục phải "giải cứu" khi thương lái ngừng mua.

Trước bối cảnh này, nhiều ý kiến cho rằng cần có những giải pháp căn cơ như phát triển mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với đơn vị sản xuất, hợp tác xã và nông dân nhằm tạo đầu ra ổn định cho hàng hóa sản xuất trong nước.
Còn đó, khó khăn nội tại
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Trung ương cho biết, tại nhiều quốc gia, hợp tác xã là công cụ chính để nâng cao cuộc sống người dân nông thôn.

Không những thế, hợp tác xã còn tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành viên tham gia hợp tác xã. Đặc biệt, đây là phương thức tổ chức hoạt động kinh tế phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế bao trùm và kinh tế chia sẻ để các thành viên không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, hợp tác xã phát triển ở hầu hết các nước, đóng góp từ 10-30% GDP, đang ngày càng chứng minh được sức mạnh và tiếng nói của mình. Giờ đây, hợp tác xã đã trở thành một khái niệm kinh tế phổ biến, góp phần cho tăng trưởng bền vững và chia sẻ giá trị.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Thống kê từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, doanh số các hợp tác xã là 266 tỷ USD; ngân hàng và tài chính 236 tỷ USD; bảo hiểm 403 tỷ USD; bán sỉ và lẻ 309 tỷ USD.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế hợp tác xã đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế. Riêng với Việt Nam, đến nay cả nước có hơn 20.000 hợp tác xã đang hoạt động với hơn 6,3 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động làm việc thường xuyên. Đáng lưu ý, kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động, doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm.
Xác định kinh tế hợp tác, hợp tác xã là một loại hình kinh tế quan trọng, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thường xuyên tổ chức thăm quan, khảo sát, trao đổi, học tập từ thực tiễn và kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới để triển khai xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới cho các hợp tác xã thành viên.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng ông Nguyễn Ngọc Bảo thừa nhận không ít hợp tác xã của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn nội tại nhất là trong giai đoạn mới khi phong trào khởi nghiệp quốc gia, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp mà Chính phủ phát động.
Thông qua hợp tác xã, các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để đối phó với khó khăn và tránh các nguy cơ thua lỗ cao. Tuy nhiên, trong tình hình mới, mô hình hợp tác xã cần phải đặt trong chuỗi giá trị sản phẩm, tập trung phát triển thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc liên kết với doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ với đơn vị sản xuất, đặc biệt là những hợp tác xã, làng nghề còn giúp hạn chế tình trạng sản xuất và tiêu thụ nông sản theo kiểu chạy theo thị trường, không có sự gắn kết, khiến nền nông nghiệp phát triển không ổn định và thiếu bền vững.
Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã miến Việt Cường (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) chia sẻ, khó khăn lớn nhất của các hợp tác xã hiện nay là thiếu vốn, công nghệ, trình độ quản lý yếu kém và đặc biệt là khâu tiếp cận đầu ra, nhất là việc đưa sản phẩm vào các kênh phân phối bán lẻ hiện đại.
“Chúng ta cứ nói tới nhân rộng mô hình sản xuất. Nhân rộng là tốt nhưng phải có quy hoạch, nắm rõ lợi thế của mỗi địa phương, tránh việc ồ ạt nhiều địa phương cùng đồng loạt sản xuất một sản phẩm, dẫn tới tình cảnh được mùa rớt giá", ông Nguyễn Văn Ba nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi đưa hàng hóa vào siêu thị để tiêu thụ hầu hết các hợp tác xã đều gặp phải khó khăn khi siêu thị trả lời chưa có kế hoạch nên hàng hóa làm ra nhưng không tiêu thụ được, dồn ứ dẫn đến không có tiền trả cho xã viên.
Bắt tay làm chuỗi
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ cho rằng, cần nhìn ra điểm nghẽn cản trở phát triển hợp tác xã ở chỗ nào. Qua đó, cơ quan quản lý tạo điều kiện để có chính sách chung tay hỗ trợ phát triển. Kinh tế hợp tác không chỉ hợp tác mà còn là chia sẻ nguồn lực, đồng hành cùng nhau.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Coop), muốn sản phẩm vào được hệ thống siêu thị, bước đầu tiên là phải đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, điểm khó khăn nhất của các hợp tác xã nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung là khâu liên kết với nhau quá yếu kém, mạnh ai nấy làm. Vì vậy, thời gian tới, trong liên kết chuỗi cần có người đứng đầu quản lý chung.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.


Đề án sẽ tiến hành củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp đã được đánh giá là có hiệu quả; tập trung triển khai các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, lựa chọn các ngành hàng chủ lực của quốc gia và địa phương để thúc đẩy việc thành lập hợp tác xã chuyên ngành nhằm tổ chức lại sản xuất trong từng ngành hàng.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đề nghị Liên minh hợp tác xã làm đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã thành viên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước do Cục Xúc tiến thương mại chủ trì như chương trình Thương hiệu Quốc gia, chương trình xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm.
Dự kiến, năm 2020 cả nước phấn đấu sẽ có 38.000 - 45.000 hợp tác xã; trong đó, có 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, từ 100 - 150 Liên hiệp hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Để làm được điều này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thống nhất nhận thức các cấp, các ngành, người dân về mô hình hợp tác xã kiểu mới. Cùng đó, các mô hình này phải hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, tổ chức kinh tế do người dân thành lập, không ỷ lại và trông chờ hỗ trợ của Nhà nước, hợp tác xã gắn liền với chuỗi giá trị.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động, qua đó tạo lòng tin cho các thành viên, sử dụng nguồn lực hợp tác xã để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, cần có các chính sách đi kèm là đòn bẩy và đẩy mạnh tái cơ cấu hợp tác xã; trong đó mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị là phương thức tổ chức chính để hợp tác xã phát triển mạnh và bền vững trong tương lai./.

>>> Kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm: Áp lực thay đổi!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục