Dầu thô ngọt nhẹ giảm 1,2% sau bảy tuần tăng liên tiếp

09:50' - 27/04/2019
BNEWS Mặc dù khởi động khá thuận lợi từ đầu tuần, song xu hướng đi xuống vào cuối tuần đã khiến giá dầu thô ngọt nhẹ dứt chuỗi bảy tuần tăng liên tiếp.

 Giá dầu ngọt nhẹ giảm 1,2% trong tuần qua. Ảnh minh hoạ: TTXVN phát

Tuy nhiên, giá dầu Brent vẫn duy trì được đà tăng nhẹ cho cả tuần để ghi nhận tuần đi lên thứ năm liên tiếp.

Giá hai loại dầu chủ chốt đã chạm các mức “đỉnh” của 6 tháng ngay trong hai phiên giao dịch liên tiếp đầu tuần (ngày 22-23/4), sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả tám quốc gia và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran.

Thậm chí Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái khẳng định mục tiêu của Washington là đưa xuất khẩu dầu thô của Iran xuống mức 0 và không có kế hoạch cấp tiếp quy chế miễn trừ sau tháng Năm.

Động thái mới nhất của Mỹ đã làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu, cho dù các nguồn tin cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẵn sàng nâng sản lượng nếu cần thiết trước khi xuất hiện bất kỳ sự thiếu hụt nào sau quyết định rút lại quy chế miến trừ của Washington đối với các khách hàng mua dầu Tehran.

Công ty cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết, trước khi bị tái áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm 2018, Iran là nhà sản xuất dầu lớn thứ tư trong OPEC, với sản lượng khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày.

Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô của nước này trong tháng Tư đã giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày.

Tới phiên giao dịch ngày 24/4, giá dầu đã có sự phân hóa rõ rệt khi những lo ngại về nguồn cung đã được xoa dịu bởi báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay lượng dầu dự trữ của Mỹ đã tăng 5,5 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với dự đoán tăng 1,3 triệu thùng của giới phân tích và là mức cao nhất kể từ tháng 10/2017.

Thị trường năng lượng tiếp tục diễn biến ảm đạm trong hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (ngày 25-26/4), với giá dầu Brent rời khỏi ngưỡng 75 USD/thùng, bất chấp việc Ba Lan và Đức tạm ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường ống dẫn dầu Druzhba - một trong những đường ống dẫn dầu có quy mô lớn nhất và dài nhất thế giới, có khả năng cung cấp lên tới 1 triệu thùng/ngày - do vấn đề chất lượng.

Giá dầu kỳ hạn mất gần 3% vào phiên cuối tuần khi giới đầu tư nhận thấy sự không chắc chắn liên quan đến lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với OPEC để giảm giá dầu.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn thoát khỏi cảnh đóng cửa ở mức thấp nhất phiên sau khi Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo nói rằng ông không thảo luận với ông Trump và , cũng như Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih.

James Williams, Chuyên gia kinh tế năng lượng tại WTRG Economics nhận đinh, thị trường đang phản ứng thái quá trước những phát biểu được đăng tải trên mạng xã hội của Tổng thống Donald Trump, bởi ông Trump có thể gia hạn quy chế miễn trừ trừng phạt và cũng có thể bán bớt dầu từ kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ (USPR).

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 6/2019 giảm 1,91 USD (2,9%), xuống 63,3 USD/thùng.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng mất 2,2 USD (khoảng 3%), xuống 72,15 USD/thùng.

Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI giảm 1,2%, sau khi chứng kiến bảy tuần tăng giá liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu Brent vẫn tăng 0,3%, đánh dấu tuần tăng thứ 5 liên tiếp.

Đà giảm của giá “vàng đen” trong phiên này còn được hạn chế bởi báo cáo hàng tuần của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy hoạt động khai thác dầu của Mỹ có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm hai tuần liên tiếp, mất 20 giàn còn 805 giàn trong tuần này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục