Đảo ngọc Phú Quốc háo hức chờ ngày thành “Đặc khu”

15:00' - 05/01/2018
BNEWS Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2030, Đặc khu Phú Quốc sẽ là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp và hiện đại của cả nước, khu vực và quốc tế.

Sau khoảng một thập kỷ chuẩn bị công phu với nhiều công sức và nỗ lực quyết liệt, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang háo hức chờ ngày trở thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc mà người dân đảo ngọc này quen gọi “Đặc khu Phú Quốc”.
*Tập trung nguồn lực và trí tuệ phát triển đảo ngọc

Biển Phú Quốc. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Huyện Phú Quốc nằm trong vùng biển phía Tây Nam cực Nam Tổ quốc tách biệt với đất liền, cách thành phố Rạch Giá khoảng 120 km, thị xã Hà Tiên 50 km, gần đường vận chuyển hàng hóa quốc tế từ Đông sang Tây và cách thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay. Địa danh “Phú Quốc” có từ rất lâu đời với ý nghĩa sâu sắc là “đất nước giàu có, thịnh vượng”.

Theo tiến trình lịch sử của đất và người Nam bộ, Phú Quốc phát triển mạnh từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế năm 1802 có nhiều chính sách ưu đãi cho hòn đảo này, rất nhiều tàu thuyền nước ngoài đến đây giao thương, mua bán sôi động.
Năm 1975, đất nước thống nhất, Phú Quốc trở thành huyện thuộc tỉnh Kiên Giang và được mệnh danh là đảo ngọc. Những ngày đầu năm mới 2018, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Quốc cũng như tỉnh Kiên Giang phấn chấn chờ tin vui đảo ngọc trở thành Đặc khu Phú Quốc.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ: “Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là kết quả của quá trình chỉ đạo và thực hiện khoảng 10 năm qua của Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang.

Quá trình chuẩn bị, tỉnh tổ chức nhiều hội thảo khoa học với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong nước, quốc tế. Đề án đã nhận được sự đóng góp rộng rãi của các bộ, ngành trung ương, nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, doanh nhân.

Đến nay, đề án cơ bản hoàn thành, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân đồng thuận và đã trình Bộ Nội vụ thẩm định. Dự kiến tháng 2/2018 thông qua Chính phủ, trình Bộ Chính trị và trình Quốc hội xem xét phê duyệt trong thời gian tới.”
Trong giai đoạn 2005 - 2017, Kiên Giang tập trung nguồn lực phát triển Phú Quốc, huy động hơn 400.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đảo ngọc.

Đến nay, hệ thống hạ tầng trên đảo Phú Quốc đã được đầu tư cơ bản, bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển như: trục chính giao thông Nam - Bắc và hệ thống đường vòng quanh đảo; cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc; Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; Cảng biển quốc tế An Thới; Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc; hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường; khu dân cư tiêu chuẩn đô thị; nâng cấp, chỉnh trang thị trấn Dương Đông và An Thới,… tạo nên diện mạo Phú Quốc hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Thêm nữa, đến đầu năm 2018, Phú Quốc đã thu hút 271 dự án đầu tư với tổng diện tích 10.426 ha, tổng vốn đăng ký gần 378.000 tỷ đồng, trong đó có 28 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 292 triệu USD. Hiện, đã có 37 dự án đi vào hoạt động và 33 dự án đang triển khai xây dựng, với tổng vốn thực hiện hơn 116.000 tỷ đồng.

Một số nhà đầu tư có tổng mức đầu tư lớn như: Vingroup vốn đăng ký đầu tư 50.000 tỷ đồng, Sun Group gần 27.000 tỷ đồng, BIM Group gần 5.000 tỷ đồng, CEO Group hơn 4.500 tỷ đồng,…
Việc thu hút đầu tư này đã tạo nên một “thiên đường du lịch Phú Quốc” bật nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút ngày càng nhiều du khách đến thăm quan, du lịch. Năm 2017, Phú Quốc đón gần 2 triệu lượt khách, tăng hơn 35% so với năm 2016, trong đó du khách quốc tế trên 361.450 lượt người, vượt hơn 20% kế hoạch, tăng 72%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, kinh tế Phú Quốc tăng trưởng với tốc độ khá cao, GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2010 - 2017 tăng 38,5%/năm, gấp 3,7 lần tốc độ tăng trưởng của tỉnh Kiên Giang và gấp khoảng 6 lần của cả nước.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Phú Quốc ngày càng được cải thiện, nâng lên ở mức cao. Năm 2017, GDP bình quân đầu người đạt 5.149 USD, gấp 2 lần của tỉnh; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1%.
*Diện mạo “Đặc khu” trong tương lai

Thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Ảnh minh họa: TTXVN

Huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có tổng diện tích tự nhiên gần 59.000 ha, bao gồm 27 hòn đảo nằm trong vịnh Thái Lan. Đây là huyện đảo lớn nhất, đông dân nhất trong 12 huyện đảo của cả nước, với cơ cấu hành chính gồm 8 xã, 2 thị trấn. Dân số hơn 120.000 người, gồm 3 dân tộc chính là Kinh, Hoa, Khmer.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, phương án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc (gọi tắt là Đặc khu Phú Quốc) trên cơ sở hiện trạng diện tích tự nhiên, dân số của huyện Phú Quốc hiện nay, không tính xã đảo Thổ Châu do dự kiến thành lập huyện Thổ Châu.
Mục tiêu xây dựng Đặc khu Phú Quốc trở thành đô thị du lịch biển đảo - trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế với môi trường sống hiện đại, xanh, thân thiện và an toàn; một khu vực kinh tế năng động, hiệu quả với các dịch vụ, giải trí cao cấp, trung tâm thương mại, triển lãm - hội nghị quốc tế lớn và hiện đại của cả nước, khu vực và quốc tế.
Xây dựng mô hình, cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả thật sự “đặc biệt”, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý của nhà nước; đủ sức đảm đương công việc, đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển bền vững Đặc khu Phú Quốc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho tỉnh Kiên Giang và tạo sức lan tỏa, kết nối phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam; đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ phía Tây Nam Tổ quốc.
Theo đó, Phú Quốc phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng tâm, đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, bền vững, có chiều sâu. Tỉnh Kiên Giang quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 phù hợp với định hướng phát triển chung.

Huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và sản phẩm du lịch đặc thù tại Phú Quốc; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch từng bước đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, hấp dẫn, có sức cạnh tranh và tạo lập được thương hiệu. Tăng cường xúc tiến, quảng bá, thông tin, giới thiệu, hợp tác phát triển du lịch Phú Quốc.
Mặt khác, Phú Quốc phát triển thương mại - dịch vụ, thu hút đầu tư các trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế; dịch vụ thương mại và mua sắm quốc tế; dịch vụ quản lý tài sản. Phát triển công nghiệp xanh, công nghệ cao, dịch vụ hậu cần biển, công nghiệp sinh học.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với trọng tâm là đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng thủy sản; phát triển đội tàu công suất lớn vươn ra đánh bắt xa bờ. Xây dựng khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá tại Gành Dầu, Bãi Thơm; xử lý chất thải và khí thải, bảo vệ môi trường,… đáp ứng yêu cầu phát triển của Đặc khu Phú Quốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Thị Minh Phụng cho hay, Kiên Giang xác định 4 trụ cột kinh tế - xã hội trọng điểm cho Đặc khu Phú Quốc ưu tiên đầu tư phát triển là: Du lịch; Dịch vụ - thương mại; Y tế và giáo dục và Nông nghiệp, công nghệ cao. Tỉnh áp dụng chính sách đầu tư, kinh doanh và ưu đãi đặc thù để thu hút đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao vào Đặc khu Phú Quốc.
Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2030, Đặc khu Phú Quốc sẽ là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp và hiện đại của cả nước, khu vực và quốc tế; trung tâm thương mại, triển lãm - hội nghị hàng đầu của khu vực và hướng tới mở rộng thị trường toàn cầu.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, mặc dù tập trung đầu tư phát triển Phú Quốc nhưng không đánh đổi bằng mọi giá, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn gìn giữ lịch sử - văn hóa của đảo ngọc; đảm bảo nâng cao đời sống người dân Phú Quốc và phát triển lan tỏa đến các địa bàn trong tỉnh, khu vực và cả nước.

Phát triển Phú Quốc bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích của nhà đầu tư và người dân địa phương. Phát triển Phú Quốc phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với chính quyền Đặc khu Phú Quốc; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục