Đằng sau việc Trung Quốc "hào phóng" hỗ trợ châu Phi

05:30' - 16/09/2018
BNEWS Đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi trong những năm qua đã thu lại được những lợi ích vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế, bất kể về chiến lược quốc tế hay lợi ích quốc gia, Trung Quốc đều không chịu thiệt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) 2018 ở Bắc Kinh. Ảnh: TTXVN phát 

Mới đây nhất, phía Trung Quốc đã công bố gói hỗ trợ tài chính lên đến 60 tỷ USD cho châu Phi, đồng thời xóa nợ cho một số nước châu Phi

Việc này làm dấy lên những tranh cãi trên mạng Internet. Đa số cư dân mạng Trung Quốc cho rằng bản thân Trung Quốc vẫn còn có rất nhiều người dân nghèo, Chính phủ Trung Quốc không nên quá hào phóng với bên ngoài như vậy; nhưng cũng có phương tiện truyền thông chỉ ra rằng đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi trong những năm qua đã thu lại được những lợi ích vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế, bất kể về chiến lược quốc tế hay lợi ích quốc gia, Trung Quốc đều không chịu thiệt.

Tại hội nghị trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, trước mắt và trong vòng ba năm tới, Trung Quốc sẽ lựa chọn “8 hành động lớn” để tạo ra cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-châu Phi, đồng thời sẵn sàng sử dụng các biện pháp như viện trợ chính phủ, đầu tư của các tổ chức, công ty tài chính… để dành cho châu Phi gói hỗ trợ tài chính lên đến 60 tỷ USD, bao gồm: 15 tỷ USD viện trợ, vay không lãi suất hoặc lãi suất ưu đãi, một gói tín dụng trị giá 20 tỷ USD, một quỹ đặc biệt 10 tỷ USD cho các dự án phát triển Trung Quốc-châu Phi và một quỹ đặc biệt 5 tỷ USD cho hàng nhập khẩu từ châu Phi; 10 tỷ cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào châu Phi.

 Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ xóa nợ từ các khoản vay không lãi suất của một số quốc gia ở châu Phi trước cuối năm 2018. Việc xóa nợ này sẽ được áp dụng với một số quốc gia kém phát triển tại châu Phi, những nước nợ Trung Quốc nhiều nhất và nghèo đói, các nước đang phát triển không có biển và là đảo nhỏ đồng thời có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Quyết định trên của Trung Quốc đã dẫn đến nhiều tranh cãi và phản đối trên mạng xã hội nước này. Nhiều cư dân mạng chỉ trích Trung Quốc mang nhiều tiền đi viện trợ nước khác, trong khi tại chính Trung Quốc vẫn có hàng chục triệu người dân trong diện cần xóa đói giảm nghèo. 

Một số ý kiến còn phân tích số tiền trên quy đổi được 410 tỷ Nhân dân tệ theo tỉ giá hiện hành, tương đương với 1,87 lần chi phí của tài chính Trung Quốc dành cho các bệnh viện công trên toàn quốc, gấp 2,18 lần chi phí dùng để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, gấp 1,26 lần chi phí dành cho xóa đói giảm nghèo trên cả nước Trung Quốc.

Thậm chí, có người còn dẫn lại phát biểu trong một bài viết năm 2009 của Giáo sư Luật của Đại học Bắc Kinh Trương Thiên Phàm với nội dung cho rằng việc Chính phủ Trung Quốc miễn giảm nợ cho nhiều nước châu Phi, ít nhất cũng phải được phản ánh trong dự toán ngân sách nhà nước, đồng thời sau khi thông qua thảo luận và phê chuẩn tại Nhân Đại toàn quốc hoặc Ủy ban Thường vụ Nhân Đại toàn quốc, phải công bố cho công chúng.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn ngày 3/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, hợp tác Trung Quốc-châu Phi có tốt hay không chỉ người dân Trung Quốc và châu Phi có quyền phát ngôn cao nhất. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Bất cứ ai cũng không thể lấy tưởng tượng và suy đoán để phủ nhận những thành tựu đáng ghi nhận trong hợp tác Trung Quốc-châu Phi”.

Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng đã nêu rõ tầm quan trọng và tính hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và châu Phi. Tờ Nhân dân Nhật báo phiên bản hải ngoại có bài viết cho rằng tính tương hỗ giữa Trung Quốc và châu Phi rất mạnh, tiềm năng phát triển của châu Phi sẽ mang lại thị trường khổng lồ. 

Châu Phi giàu tài nguyên khoáng sản, như dầu thô, mangan, đồng… nhưng các nguồn tài nguyên này trong một thời gian dài không được khai thác đầy đủ mà còn bị các nước phương Tây “bóc lột” thông qua việc trả giá thành thấp, Trung Quốc có thể tiến hành giao dịch với các nước châu Phi ở mức giá hợp lý hơn.

Bài viết dẫn lời Vương Hồng Nhất, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu thông tin, Viện nghiên cứu Tây Á-châu Phi thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết số lượng đồng, bông nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Phi còn nhiều hơn sản xuất ở trong nước, trong khi các dự án dầu mỏ của doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Phi lại có sự trợ giúp rất lớn cho an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 4/9 có bài xã luận cho rằng, người dân Trung Quốc hiểu rất rõ rằng, nước lớn buộc phải làm nghĩa vụ của nước lớn, nếu không sau này sẽ không thể giữ được vị thế của mình, càng không thể hy vọng tiếp tục đi lên. “Không được hiểu Trung Quốc vẫn còn người nghèo nên viện trợ cho nước ngoài là vô đạo đức. Lối suy nghĩ này là logic của nền kinh tế tiểu nông, về cơ bản sẽ không thể đem lại thực tiễn vĩ đại của Trung Quốc ngày nay”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục