Đằng sau “thiện ý” của ông Trump đối với Trung Quốc

05:30' - 22/10/2019
BNEWS Dư luận rất hiếu kỳ trước thiện chí bất ngờ của ông Trump với Trung Quốc, bởi với những gì mà truyền thông tiết lộ về thỏa thuận thương mại một phần Mỹ-Trung, Bắc Kinh không có quá nhiều nhượng bộ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản ngày 29/6/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Vòng đàm phán thương mại cấp cao thứ 13 giữa Mỹ và Trung Quốc kết thúc với kết quả có thể nói là tích cực. Sau khi Trung Quốc đồng ý mua 40 tỷ USD nông sản Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng quyết định lùi thời gian nâng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 15/10 xuống ngày 15/12.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Dĩnh Văn thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược Trung Quốc (CSAC), lý do quan trọng nhất khiến ông Trump không tiếp tục làm khó Trung Quốc sau đàm phán thương mại vòng 13 là sau một năm rưỡi đấu tranh, Washington đã biết rõ các quân bài của đối phương cũng như giới hạn của mỗi bên, cần phải có một thỏa thuận để xoa dịu người dân trong nước.

Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ bắt đầu ẩn hiện nỗi lo suy thoái, chiến tranh thương mại dần hình thành ảnh hưởng không có lợi đối với người tiêu dùng Mỹ, có thể tác động tới bầu cử Tổng thống vào năm 2020. Ngoài ra, việc bị đảng Dân chủ điều tra luận tội cũng là nhân tố mà ông Trump buộc phải tính tới.

Đối với nền kinh tế lớn thứ nhất và lớn thứ hai toàn cầu, các nhân tố nêu trên sẽ quyết định đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ không thể đạt được kết quả một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đoàn đàm phán Mỹ có thể mắc sai lầm trong phán đoán về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.

Xuất phát từ sự mất cân xứng về thương mại cũng như khoảng cách trong lĩnh vực khoa học công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Washington có thể cho rằng nếu gây sức ép cực độ với Trung Quốc, giống như Mỹ từng làm với Nhật Bản, Bắc Kinh sẽ khuất phục và chấp nhận cái giá mà Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, sau khi biết rõ sách lược đàm phán của Washington, Bắc Kinh đã thực hiện các đòn trả đũa trực tiếp trong phạm vi cho phép.

Sai lầm của Mỹ trong phán đoán về thực lực kinh tế của Trung Quốc có thể vẫn là xem nhẹ mối liên kết hoàn chỉnh giữa các ngành nghề, thị trường khổng lồ và sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc cũng như khả năng kiểm soát nền kinh tế của nước này.

Tập đoàn công nghệ Huawei là một ví dụ. Tuy Mỹ sử dụng toàn lực và lôi kéo đồng minh cùng gây sức ép với Huawei, gây tổn hại cho Huawei, nhưng chí ít tới thời điểm này, Huawei vẫn chưa sụp đổ, trong khi doanh nghiệp Mỹ cũng vì vấn đề Huawei mà chịu tổn thất.

Đoàn đàm phán Mỹ đã yêu cầu đơn phương thiết lập cơ chế giám sát và tiến hành cải cách kết cấu, song yêu cầu này đã bị phía Trung Quốc khước từ. Nhìn từ góc độ của Bắc Kinh, yêu cầu này của phía Mỹ đã gây phương hại tới chủ quyền của Trung Quốc. Đây cũng chính là lý do Bắc Kinh đột nhiên thay đổi thái độ trong vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung thứ mười hồi tháng 5/2019.

Trong một bài viết đăng trên tờ Tin tức Thế giới ngày 17/10, nhà nghiên cứu Đặng Dĩnh Văn cho biết, sau sự kiện đó, phía Mỹ đã nhận thức được sự nhạy cảm của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền kinh tế. Phía Trung Quốc cũng hiểu rõ cái gọi là “gây sức ép cực độ” và yêu cầu cải cách kết cấu của Mỹ.

Về tổng thể, giới hạn của phía Trung Quốc là điều gây tổn hại tới chủ quyền của Trung Quốc và làm lung lay nền tảng thống trị. Trong khi đó, giới hạn của phía Mỹ là Trung Quốc phải mua nông sản Mỹ, thu hẹp mất cân bằng thương mại, mở rộng cửa thị trường đối với doanh nghiệp Mỹ, giảm thiểu hành vi thao túng tiền tệ.

Sau khi đã rõ giới hạn của nhau, hai bên đã dễ dàng đạt được thỏa thuận về những gì đã đạt được nhận thức chung, có thể chấp nhận đàm phán.

Đương nhiên, chỉ làm rõ quân bài tẩy của Trung Quốc chưa đủ để thay đổi chủ ý của ông Trump. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 mới là xuất phát điểm của mọi hành động của ông Trump và mọi chính sách của Nhà Trắng, bao gồm đàm phán thương mại. Đối với ông Trump, đàm phán thương mại một khi bị đổ vỡ, chiến tranh thương mại sẽ leo thang, khả năng tách rời kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gia tăng.

Cho dù vẫn rất khó đưa ra được phán đoán chính xác được việc thuế quan leo thang toàn diện và kinh tế tách rời có lợi hay có hại đối với phát triển kinh tế Mỹ lâu dài, song có thể khẳng định, trong ngắn hạn và trung hạn sẽ tác động mạnh tới kinh tế Mỹ.

Đặc biệt, nông dân và doanh nghiệp nhỏ, khu vực vốn được coi là kho phiếu của ông Trump, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn với việc tăng thuế toàn diện, hơn nữa, tác động của động thái này còn mở rộng sang các gia đình bình dân và giới trung lưu.

Đầu tháng 10/2019, Mỹ công bố nhiều số liệu kinh tế Mỹ, trong đó có nhiều chỉ số thấp hơn kỳ vọng. Ví dụ, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) phản ánh viễn cảnh kinh tế vĩ mô chỉ đạt 47,8 điểm, thấp nhất kể từ tháng 6/2009. Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế Mỹ quý III/2019 và quý IV/2019 lần lượt giảm chậm lại mức 1,82% và 1,77%, nghĩa là gần giảm một nửa so với mức tăng trưởng 3,1% trong quý I/2019.

Cùng với việc đường cong lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ bị đảo ngược, đây đều là những dấu hiệu báo trước khả năng kinh tế suy thoái. Tháng Mười Một và tháng Mười Hai là kỳ nghỉ ở Mỹ, việc mua sắm cũng bước vào giai đoạn đỉnh điểm.

Do vậy, nếu Washington tiến hành nâng mức thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc như dự kiến (từ ngày 15/10), người tiêu dùng Mỹ buộc phải chi thêm nhiều tiền, khiến họ bất mãn với ông Trump.

Dư luận từng cho rằng để thoát khỏi cục diện bị động trong bối cảnh bị tiến hành điều tra luận tội, ông Trump sẽ có thái độ cứng rắn hơn đối với đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, lập trường siêu cứng rắn chỉ có thể khiến Mỹ-Trung tăng tốc tách rời về kinh tế, không có lợi cho việc tranh cử của ông Trump.

Cho nên, Tổng thống Trump dù muốn sử dụng đàm phán thương mại để chuyển hướng chú ý của dư luận thì vẫn phải nghiêng về việc làm lắng dịu chiến tranh thương mại hơn là khiến chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang.

Với việc đạt được thỏa thuận thương mại một phần, ông Trump không chỉ củng cố được kho phiếu truyền thống ở các bang nông nghiệp, mà còn có thể "vỗ về" được giới tài phiệt Phố Wall nhờ việc Trung Quốc đồng ý mở cửa thị trường tài chính cho doanh nghiệp Mỹ. Đây quả thực là sách lược vẹn cả đôi đường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục