Dân Quyết Thắng khá giả nhờ nghề làm hương trầm

09:36' - 09/02/2016
BNEWS Chỉ là nghề phụ nhưng đưa lại thu nhập khá cho người dân Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), đặc biệt vào mỗi dịp Tết. Nhiều hộ gia đình đã hoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Đến Quyết Thắng vào một ngày đầu năm, trong từng cơn gió lạnh, mùi hương dịu ngọt mà ấm áp của cây hương nơi đây như hòa quyện vị Tết, mang khí xuân về gần hơn trong từng nếp nhà, ngõ xóm.

Rễ cây trầm rẽ quạt có mùi hương dễ chịu và giúp giảm căng thẳng. Ảnh: vinacorp

Vừa đến đầu làng, mùi hương trầm phảng phất từ những bó hương phơi giữa trời xuân. Ông Lưu Đức Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch cho hay, nghề làm hương (nhang) ở đây có từ 300 năm nay. Những ngày đầu, họ chỉ biết làm nhang bằng lá hương reng mọc trên núi.

Qua thời gian, kỹ thuật làm hương của người dân thôn Quyết Thắng ngày một tiến bộ, kỹ thuật quấn hương cũng được cải tiến và hoàn thiện dần nhằm đáp ứng nhu cầu và thị yếu ngày càng cao của người mua.

Đặc biệt, sau này bà con đã biết kết hợp lá hương reng với rễ cây trầm rẽ quạt để tạo nên loại nhang trầm thơm mùi đặc trưng của địa phương. Rễ cây trầm rẽ quạt có mùi hương dễ chịu, giúp giảm đau đầu, căng thẳng và có thể đuổi được muỗi nên an toàn với người dùng.

Chính vì điều này nên những cây hương được sản xuất từ thôn Quyết Thắng còn được bà con gọi là hương trầm Quyết Thắng hay hương trầm rẽ quạt Quyết Thắng.

Thôn Quyết Thắng hiện có trên 500 hộ dân thì đã có hơn 300 hộ có nghề làm hương trầm. Mặc dù chỉ là nghề phụ nhưng đưa lại thu nhập khá cho người dân, đặc biệt vào mỗi dịp Tết. Nghề làm hương trầm cũng giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Gia đình chị Phan Thị Hương là một trong những hộ làm hương trầm có quy mô lớn, cung cấp sản phẩm quanh năm của làng. Chị Hương cho biết, việc làm hương trầm đã mang lại thu nhập khá cao cho gia đình.

Những tháng bình thường trong năm, cơ sở làm hương của gia đình thu khoảng 10- 15 triệu đồng/tháng, đến vụ Tết thu khoảng 30-40 triệu đồng/tháng. Từ việc làm hương đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Toàn bộ hương ở làng nghề hương Quyết Thắng đều sản xuất bằng phương pháp thủ công. Để làm ra một bó hương phải trải qua nhiều công đoạn như: chẻ và phơi tre; chuẩn bị lá hương reng và rễ cây trầm rẽ quạt, phơi khô rồi tán thành bột; trộn bột nhang; nhồi, nhúng, lắc hương; phơi khô và đóng gói.

Với người dân làng, từ đứa trẻ cho đến những cụ già, ai ai cũng thuộc nằm lòng quy trình sản xuất loại hương trầm mang mùi thơm đặc trưng này.

Theo các hộ sản xuất ở đây, một trong những công đoạn sản xuất mang lại nét khác biệt đặc trưng cho hương trầm Quyết Thắng ở chỗ cây hương sẽ được quấn, nhúng bằng hai lớp hương reng ở trong, bao ở ngoài là bột của rễ cây trầm rẽ quạt. Chính điều này làm cho hương cháy đều, chậm và tỏa hương thơm dịu nên được nhiều khách hàng ưu tiên dùng.

Sau Tết cổ truyền, người dân đã đi thu mua nguyên liệu (gồm hương lá reng, rễ cây trầm rẽ quạt, tre, bột sắn...) về sơ chế.

Tuy nhiên, hiện nay, lá hương reng và rễ cây trầm trên địa bàn xã ngày càng khan hiếm nên đa số bà con đều nhập mua nguyên liệu từ các nơi khác đưa về, chủ yếu là ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ba tháng cuối cùng của năm là chính thức bước vào vụ sản xuất hương Tết. Những ngày nắng đẹp, người dân lại tấp nập nhúng hương, lăn bột, phơi khô để đóng gói.

Làm hương là công việc nhẹ nhàng không đòi hỏi nhiều sức khỏe nên các thành viên trong gia đình đều có thể tham gia. Nhà nhà từ già đến trẻ đều tất bật với các công đoạn làm hương, sẵn sàng cho chuyến hàng cuối năm.

Đa số các gia đình đều tập trung làm hương trong vụ Tết, nhà ít nhân lực thì làm khoảng 10.000 đến 20.000 cây/tháng, nhà làm nhiều có thể đến 70.000 cây hương/tháng.

Các hộ làm hương trầm trong thôn cho biết, nếu gia đình tự đi lấy được nguyên liệu thì có lãi khoảng 50%, còn không có nhân lực, mọi nguyên liệu đều phải mua thì lãi khoảng 20%.

Hiện nay, hương trầm Quyết Thắng của xã Thanh Trạch không chỉ có mặt ở hầu khắp các thị trường trong tỉnh Quảng Bình mà còn vươn ra các tỉnh khác như Hà Nội, Thanh Hóa, Tp. Hồ Chí Minh... Trên thị trường, giá mỗi cây hương trầm Quyết Thắng được bán từ 500 – 1.500 đồng/cây tùy kích thước ngắn, dài.

Theo ông Lê Văn Rạn, Trưởng thôn Quyết thắng, hương trầm là hương vị không thể thiếu trong gia đình mỗi người dân Việt vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Những ngày Tết, mỗi gia đình có thể tiêu thụ từ 200-400 cây hương trầm.

Cây hương trầm Quyết Thắng được làm từ những nguyên liệu tự nhiên nên ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Hương trầm Quyết Thắng có mùi thơm đặc trưng, khác với hương trầm những vùng khác, đó là mùi thơm dịu ngọt, ấm cúng và vui vẻ chứ không trầm buồn.

Cây hương trầm Quyết Thắng được làm từ những nguyên liệu tự nhiên. Ảnh minh họa: huongcaocap

Cuối năm 2015, Hội đồng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống do UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức đã công nhận làng nghề sản xuất hương trầm Quyết Thắng của xã Thanh Trạch. Đây là một vinh dự lớn, tạo sự phấn khởi đối với người dân làng nghề nói riêng và địa phương nói chung.

Hơn 40 năm trong nghề, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Phan Văn Tu (63 tuổi) vẫn miệt mài gắn bó với nghề làm hương trầm truyền thống của ông cha để lại. Dù mắt đã mờ và đôi tay cũng đã yếu nhưng trong mỗi công đoạn làm hương quen thuộc, ông Tu vẫn tỷ mẩn, cẩn thận, nhanh nhẹn và thành thạo trong từng thao tác.

Ông Tu cho biết, ngay từ nhỏ đã được cha mẹ dạy cách làm hương nên mỗi công đoạn, thao tác như ăn sâu vào máu thịt. Với gia đình, nghề làm hương tuy là nghề phụ nhưng các thế hệ trong nhà vẫn duy trì đến ngày nay; tranh thủ làm mỗi lúc rảnh rỗi, nông nhàn nhằm lưu giữ nét văn hóa truyền thống của nghề mà cha ông để lại.

Với nguyên liệu chế biến hoàn toàn từ thiên nhiên, không chất độc hại thì hương trầm Quyết Thắng được xem là lựa chọn đáng tin cậy đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm của làng nghề chưa có nhãn mác, thương hiệu, khi xuất bán mới chỉ bọc trong bao ni lông, giấy báo thủ công nên chưa thu hút người mua. Chỉ những người quen biết, dùng một lần thấy mùi hương dễ chịu, cháy đượm và được lâu mới mua thường xuyên.

"Chính quyền địa phương cũng đã tích cực vận động, tuyên truyền bà con thôn Quyết Thắng gìn giữ và phát triển làng nghề hương trầm; phấn đấu xây dựng thương hiệu để hương trầm Quyết Thắng tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng và có cơ hội vươn ra thị trường ngoài tỉnh; có kế hoạch chiến lược phát triển mang tính lâu dài và bền vững cho làng nghề." - ông Lưu Đức Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch chia sẻ.

Làng nghề hương trầm Quyết Thắng đang khẩn trương hoàn thành sản phẩm, sẵn sàng phục vụ thị trường những ngày cuối năm. Những cây hương trầm Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình sau khi hoàn thiện cũng hối hả đón những chuyến xe ra Bắc vào Nam để kịp tỏa hương thơm trong các gia đình vào ngày Tết dân tộc, mang Xuân về với đất trời.

Phảng phất trong làn khói thơm nồng, dịu ngọt của hương trầm Quyết Thắng là những nỗi niềm, hy vọng và tin tưởng về một năm mới đủ đầy, bình an của mỗi người dân hồn hậu, rất đỗi mộc mạc trên mảnh đất đầy nắng và gió này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục