Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Hai bên đưa ra những tín hiệu trái chiều

10:35' - 10/10/2019
BNEWS Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định nước này và Trung Quốc có "cơ hội rất tốt" để đạt thỏa thuận thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một bài phát biểu ở Washington, DC ngày 20/9/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 9/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định nước này và Trung Quốc có "cơ hội rất tốt" để đạt thỏa thuận thương mại nhằm hóa giải những tranh cãi đã kéo dài suốt hơn một năm qua, gây ra những tác động không nhỏ tới thị trường toàn cầu.

Phát biểu với báo giới một ngày trước khi các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa hai bên được nối lại tại Washington, Tổng thống Trump khẳng định hai bên sẽ ký kết thỏa thuận nếu có thể và hiện đang có cơ hội rất tốt để tiến tới mục tiêu này.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh theo quan điểm của ông, phía Trung Quốc mong muốn đạt thỏa thuận hơn cả.

Dự kiến, trong các ngày 10-11/10, các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại lần đầu tiên sau gần hai tháng bị gián đoạn. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính nước này Steven Mnuchin.

Đàm phán cấp cao được tiến hành dựa trên kết quả các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trước đó.

Các vấn đề dự kiến được thảo luận bao gồm chuyển giao công nghệ bắt buộc, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, các rào cản phi thuế quan, nông nghiệp và thực thi pháp luật.

Ngoài ra, ngày 9/10, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết Mỹ đang cân nhắc một hiệp ước tiền tệ với Trung Quốc. Đây được cho là thỏa thuận giai đoạn đầu với Bắc Kinh trước khi hai bên tiếp tục đàm phán về các vấn đề như chuyển giao công nghệ bắt buộc và sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, tờ South China Morning Post của Trung Quốc dẫn các nguồn giấu tên cho biết các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa hai nước trong các ngày 7-8/10 vừa qua tại Washington không có tiến triển và vì vậy nhiều khả năng đàm phán cấp cao sẽ chỉ gói gọn trong ngày 10/10.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trước vòng đàm phán thương mại ở Bắc Kinh ngày 1/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo này, Trung Quốc từ chối thảo luận về chuyển giao công nghệ bắt buộc và bỏ qua vấn đề trợ cấp nhà nước trong các cuộc đàm phán cấp chuyên viên.

Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng trả lời phỏng vấn đài CNBC đã bác bỏ thông tin này, đồng thời cho biết Nhà Trắng không nhận được thông báo thay đổi lịch trình làm việc của ông Lưu Hạc tại Mỹ, các cuộc đàm phán vẫn sẽ diễn ra tới hết ngày 11/10 như dự kiến.

Trước thềm đàm phán, hãng tin Reuters (Anh) dẫn quan điểm của các quan chức chính phủ, ngoại giao và nhà đầu tư Trung Quốc cho thấy hy vọng đạt tiến triển trong các cuộc thảo luận tuần này đã phần nào suy giảm.

Các quan chức Trung Quốc cho rằng dù Bắc Kinh muốn chấm dứt căng thẳng thương mại nhưng họ không thực sự lạc quan về phạm vi hay quy mô của bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ trong ngắn hạn.

Một quan chức Trung Quốc nắm rõ quá trình chuẩn bị cho các cuộc đàm phán nhận định về nguy cơ các cuộc đàm phán sẽ kết thúc trong bế tắc, đặc biệt khi Mỹ đưa 28 công ty Trung Quốc vào "danh sách đen" giữa lúc cuộc đàm phán cấp chuyên viên đang diễn ra, khiến cho không khí càng trở nên tiêu cực.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang kể từ tháng 7/2018, khi hai nước liên tiếp bổ sung các mức áp thuế với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau.

Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Trump đã chấp thuận yêu cầu của Bắc Kinh hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD cho đến ngày 15/10.

Đáp lại, Ủy ban Thuế vụ Quốc vụ viện Trung Quốc cũng thông báo sẽ hủy bỏ việc áp thuế bổ sung đối với hai mặt hàng đậu tương và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ trước thềm các cuộc đàm phán thương mại cấp cao.

Giới phân tích cho rằng việc chấm dứt căng thẳng thương mại là một bước đi khẩn cấp và quan trọng đối với việc khôi phục thương mại như một động lực tăng trưởng, và tùy thuộc vào cách căng thẳng kết thúc, nó có thể là kết quả có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc cũng như cho nền kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục