Đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa đạt đồng thuận cuối cùng (Phần 2)

06:30' - 11/05/2018
BNEWS Giáo sư Yu Miaojie của Trường Phát triển quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết chính sách "Made in China 2025" liên quan đến kế hoạch phát triển dài hạn của Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Mỹ để tiếp tục thảo luận về những bất đồng thương mại giữa hai nước. Ảnh: EPA-EFE/ TTXVN 

Do đó, phương hướng phát triển nhìn chung sẽ không thay đổi. Theo ông Yu, Trung Quốc sẽ cắt giảm thâm hụt thương mại bằng cách nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao từ Mỹ, hiện đang bị hạn chế nghiêm ngặt. 

Báo Global Times bình luận rằng đó là "quyền chủ quyền của Trung Quốc để phát triển lĩnh vực công nghệ cao và nó gắn với năng lực trẻ hóa của Trung Quốc. Và chính sách này sẽ không bị từ bỏ do sức ép từ bên ngoài".

Quyết định mới đây của Washington cấm các công ty nước này bán linh kiện cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc dựa trên thực tế ZTE đã vi phạm lệnh cấm vận của chính quyền Mỹ, khiến Bắc Kinh bị tổn thương và phải trả giá vì thiếu nguồn cung cấp vi mạch tiên tiến của nước ngoài. Kế hoạch "Made in China 2025" kêu gọi các nhà sản xuất trong nước đáp ứng 70% nhu cầu về vi mạch của nước này.

Jian-Hong Lin, chuyên gia phân tích thuộc hãng nghiên cứu TrendForce, nhận xét những nỗ lực của chính quyền Trump thực sự có thể khuyến khích Trung Quốc tăng cường nỗ lực phát triển ngành công nghiệp nội địa trong bối cảnh họ đang cố gắng thực hiện kế hoạch của ông Tập Cận Bình. 

Các chuyên gia cho rằng các nhà sản xuất vi mạch của Trung Quốc bị tụt hậu 5 năm so với các đối thủ đến từ Mỹ và châu Á và cuộc chạy đua công nghệ cao ngày càng khốc liệt cộng với đội ngũ nhân tài ít ỏi đang cản trở nỗ lực của Trung Quốc nhằm bắt kịp các nhà sản xuất lớn của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan. 

Trong lúc các nhà nghiên cứu và các nhà sản xuất vi mạch của Trung Quốc phấn đấu để đuổi kịp đối thủ, công nghệ vẫn tiếp tục phát triển, với các vật liệu mới có thể làm thay đổi hoàn toàn bức tranh tương lai của ngành công nghệ điện tử. Các vi mạch tiên tiến nhất rất khó để sản xuất bởi nó ngày càng nhỏ nhằm giúp chúng xử lý nhanh hơn và tiết kiệm điện hơn.

Liên quan đến cuộc đàm phán thương mại lần này, phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc nhìn chung giữ thái độ thận trọng. “Nhật báo Trung Quốc” có bài bình luận khẳng định phía Bắc Kinh hy vọng rằng đàm phán đem lại “một giải pháp khả thi để chấm dứt các tranh chấp đang diễn ra”. 

Song cũng theo bài bình luận trên, Trung Quốc “sẽ chiến đấu chống lại hành vi bắt chẹt của Mỹ khi cần thiết. Là một đất nước ủng hộ toàn cầu hóa, thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương, Trung Quốc sẽ nhận được sự ủng hộ đắc lực từ cộng đồng quốc tế”.

 Bài bình luận trên cũng cho biết Mỹ hy vọng sẽ tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc, nhưng họ không nên sử dụng hành động thương mại để tấn công và buộc Trung Quốc phải mở rộng cánh cửa. Trong tiến trình mở cửa hơn nữa, Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ “có qua có lại”, mở cửa thị trường hơn nữa đối với đầu tư và cạnh tranh của Trung Quốc.

 Trong một thông tin khác, trang mạng apple.com.hk (Hong Kong) đăng nhận định của giới chuyên gia cho rằng để giải quyết xung đột thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã liên kết với các nước châu Âu để đối phó với lệnh trừng phạt thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngoài ra, Bắc Kinh còn cố gắng thiết lập mối quan hệ hữu nghị với Nhật Bản và Ấn Độ để tránh bị cô lập.

 Theo bài viết, Trung Quốc muốn tìm kiếm sự hỗ trợ của châu Âu để chống lại Mỹ. Các quan chức Trung Quốc phụ trách về vấn đề thương mại quốc tế đã đàm phán với các đặc phái viên Liên minh châu Âu tại Trung Quốc như  Pháp, Đức, Anh, Italy, Tây Ban Nha. Trung Quốc lo ngại rằng các đối tác thương mại chính của họ đang nghiêng về phía Mỹ. 

Ngoài ra, để tránh bị cô lập, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn đã đến thăm Nhật Bản. Thiếu tướng Từ Quốc Nguy đã dẫn đầu 25 quan chức cấp cao quân đội Trung Quốc cũng có chuyến thăm tới Nhật Bản.

 Một nhà bình luận về vấn đề Trung Quốc đã cho biết để thúc đẩy ông Trump cử đoàn đại biểu tới Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhượng bộ về vấn đề xe ô tô, thuốc chống ung thư, và nợ quốc gia. 

Rốt cuộc, cuộc đấu này sớm hay muộn thì cũng tập trung vào vấn đề thể chế, cơ chế trợ cấp xuất khẩu quy mô lớn của Bắc Kinh có thể thay đổi, kế hoạch đến năm 2025 có thể được sửa đổi. Chính quyền Trump có thể trả đũa nếu Trung Quốc áp dụng các hạn chế hành chính đối với các công ty và doanh nghiệp của Mỹ.

 Một quan chức Trung Quốc giấu tên cho biết Trung Quốc có thể giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu, mua thêm hàng hóa của Mỹ, và đề xuất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Trung

Điều kiện Trung Quốc đưa ra là có giới hạn, không dừng lại ở kế hoạch trợ cấp trong nước cũng như các cách hỗ trợ khác để phát triển công nghệ tiên tiến. Điều quan trọng nhất là Trung Quốc sẽ không thông qua cách tăng giá đồng nhân dân tệ (NDT) để nâng cao xuất khẩu của Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục