Đạm Cà Mau tập trung tiết giảm chi phí, tối ưu hoá năng lượng

16:22' - 25/04/2019
BNEWS Đại hội cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, đạm Cà Mau, mã chứng khoán: DCM) đã thông qua những giải pháp trọng tâm cho năm bản lề 2019.
Ban Lãnh đạo PVCFC tại Đại hội. Ảnh: Ngọc Duyên/BNEWS/TTXVN
Báo cáo trước Đại hội đồng cổ đông vừa tổ chức, Tổng giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh cho biết, năm 2018 là năm tương đối thuận lợi cho ngành phân bón nói chung và PVCFC nói riêng.

Điểm nhấn lớn nhất chính là giá phân bón tăng mạnh so với cùng kỳ đặc biệt giá urê đạt đỉnh cao 340 USD/tấn vào tháng 10/2018, mức cao kỷ lục kể từ năm 2015.

Tuy nhiên, Đạm Cà Mau cũng đối mặt với những khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp như: nguồn khí suy giảm, tỷ giá biến động, cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nhập khẩu và trong nước do dư thừa nguồn cung.

Trước bối cảnh đó, Đạm Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Phát triển hệ thống phân phối, tối ưu hóa trong sản xuất đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến giúp Công ty hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu về sản lượng sản xuất cũng như các chỉ tiêu tài chính.

Đạm Cà Mau tiếp tục khẳng định vị thế dẫn dắt tại thị trường mục tiêu cả về thị phần và giá bán.

Năm 2018 cũng là năm nổi bật của hoạt động tự doanh sản phẩm mang thương hiệu Đạm Cà Mau với sự tăng trưởng vượt 52% kế hoạch sản lượng tiêu thụ.

Công ty cũng đã có bước chuẩn bị tích cực về mặt thị trường cho sản phẩm NPK, khi nhà máy NPK dự kiến sẽ chính thức đưa vào sản xuất thương mại vào giữa năm 2019.

Năm 2019, ngoài việc tập trung nguồn lực, hoàn thành đưa vào hoạt động hai dự án trọng tâm gồm “Dự án nhà máy sản xuất phân bón phức hợp từ urê nóng chảy công suất 300.000 tấn/năm” và “Dự án cảng nhập nguyên liệu công suất 500.000 tấn/năm”, Đạm Cà Mau tiếp tục nghiên cứu các dự án trên nền tảng công nghệ thông tin, tối ưu hóa tiết kiệm năng lượng cũng như giảm phụ thuộc vào nguồn khí.

Cụ thể, Công ty xây dựng hệ thống kho chứa hợp lý để phát triển kinh doanh bao gồm kho đầu mối, kho trung chuyển và các kho phân phối.

Công ty đẩy mạnh ứng dụng các công cụ hiện đại để nâng cao công tác quản trị như: Dự án ERP giai đoạn 2, hoàn thiện dự án Big Data, hệ thống báo cáo thông minh BI…

Do dự báo về sự thiếu hụt nguồn khí cho cụm Tây Nam bộ, Đạm Cà Mau đang tìm kiếm nhiều giải pháp giúp tiết giảm tiêu hao nguyên liệu, thay thế một phần nguyên liệu khí sử dụng cho các thiết bị phụ trợ như Dự án thu hồi khí flash gas (khí thải), thay thế nguyên liệu lò hơi (biomass).

Ngoài ra, Công ty tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm theo hướng phân bón hữu cơ chất lượng cao, phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào urê.

Công ty dự kiến đầu tư thêm một trại thực nghiệm để phát triển mảng dịch vụ khảo nghiệm.

Từ đó cung cấp, hướng dẫn và chuyển giao cho nông dân các quy trình canh tác, giải pháp dinh dưỡng phù hợp cho từng loại cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản và tăng năng suất, chống sự thoái hóa đất canh tác.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị PVCFC Trần Ngọc Nguyên, Đạm Cà Mau đang tập trung cắt giảm chi phí, ứng dụng các sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch PVCFC Trần Ngọc Nguyên phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Ngọc Duyên/BNEWS/TTXVN
Nhờ vậy, quý I/2019, sản lượng sản xuất của Đạm Cà Mau ước đạt 220 nghìn tấn, vượt 10% kế hoạch quý I và tăng 13% so với cùng kỳ 2018.

Tổng doanh thu ước đạt 1.496 tỷ đồng; lợi nhuận ước đạt 116 tỷ đồng (dựa trên giá khí đầu vào tạm tính tương đương 0,46FO/mmBTU và chi phí vận chuyển).

Đáng chú ý, trong quý I, Đạm Cà Mau đã tiết giảm được 20 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông cũng đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 của PVCFC với tỷ lệ chia cổ tức 9% vốn điều lệ (tương đương 900 đồng/cổ phiếu).

Đại hội cũng thông qua kế hoạch năm 2019 với sản lượng 775 nghìn tấn urê quy đổi; tổng doanh thu 6.940,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 240,6 tỷ đồng; chia cổ tức 4% vốn điều lệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục