Đạm Cà Mau: 8 năm không ngừng sáng tạo để phát triển

17:53' - 08/03/2019
BNEWS Mặc dù sinh sau đẻ muộn so với các doanh nghiệp sản xuất phân bón khác, nhưng Đạm Cà Mau đã để lại những dấu ấn đặc biệt đối với nông dân và các đối thủ cạnh tranh.

Được thành lập vào ngày 9/3/2011, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán DCM) tuy sinh sau đẻ muộn so với các doanh nghiệp sản xuất phân bón khác, nhưng doanh nghiệp đã để lại những dấu ấn đặc biệt đối với nông dân và các đối thủ cạnh tranh. 

Với phương châm hoạt động luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, không ngừng tự đổi mới để chủ động thích nghi, giữ vững giá trị cốt lõi “Ân cần - Trách nhiệm - Tiên phong - Hài hòa”, thương hiệu Đạm Cà Mau cũng theo đó không ngừng bay xa.

Trên chặng đường hình thành và phát triển, Đạm Cà Mau hiện là “trợ thủ đắc lực” cho sản xuất nông nghiệp của nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long với thị phần chiếm lĩnh trên 60% sau đó tăng dần thị phần tại các địa phương khác trong cả nước.

*Chú trọng nghiên cứu sản phẩm mới

Bộ sản phẩm đạm Cà Mau. Ảnh: Ngọc Duyên/BNEWS/TTXVN
 

Trong suốt 8 năm đi vào hoạt động, Nhà máy Đạm Cà Mau luôn vận hành đạt và vượt công suất. 

Với tổng chi phí quyết toán 700 triệu USD (tiết kiệm được 200 triệu USD đầu tư) và với những giải pháp dinh dưỡng cho đất và cây trồng, Nhà máy Đạm Cà Mau là minh chứng rõ nét về chiến lược đầu tư hiệu quả, góp giải tỏa cơn khát phân bón tại vựa lúa miền Nam.

Sử dụng nguồn nguyên liệu khí từ mỏ PM3, đội ngũ kỹ sư lành nghề luôn vận hành Nhà máy tối ưu với công suất 103 – 107%, đạt sản lượng trên 800.000 tấn mỗi năm và đang chào đón tấn sản phẩm thứ 6 triệu trong năm 2019.

Bộ sản phẩm Đạm Cà Mau hiện đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nông dân trong từng mùa vụ khi toàn bộ sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ gần hết ngay tại thị trường trong nước với sản lượng gần 1 triệu tấn sản phẩm/năm. 

Chỉ riêng 2018, Công ty đạt doanh thu 6.827 tỷ đồng, chính sách tiết giảm chi phí hiệu quả… tất cả mang lại lợi nhuận gộp năm 2018 đạt 650 tỷ đồng.

Với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và coi trọng công tác nghiên cứu phát triển, PVCFC đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nhân sự cho công tác nghiên cứu, chuyển giao và kinh doanh. 

Đến nay, Công ty đã chính thức ra mắt 7 sản phẩm thuộc 3 dòng phân bón đạm (gốc urea), dòng phân bón phức hợp và dòng phân bón khoáng hữu cơ, góp phần đa dạng hóa phân bón chất lượng cao, giúp bà con nông dân tiếp cận được với các sản phẩm mới có đặc điểm và tính năng nổi trội.

Các sản phẩm của Đạm Cà Mau vừa nâng cao năng suất cây trồng và giá trị nông sản, vừa cải thiện độ phì nhiêu của đất, giúp bà con nông dân dễ canh tác, duy trì vụ mùa bội thu.

Bên cạnh đó, với khả năng nắm bắt các quy luật kinh tế thị trường, các mô hình quản trị hiện đại, các phương pháp kinh doanh tiên tiến, Công ty đã xây dựng được hệ thống phân phối rộng khắp cả nước với hàng nghìn đại lý cấp 1, cấp 2 và cửa hàng, đảm bảo khả năng cung ứng hàng nhanh chóng, kịp thời và đến tận tay bà con nông dân.

Ngoài ra, Công tác quản trị tốt đã giúp vị thế của PVCFC ngày càng được củng cố trong suốt 8 năm qua. Trong nhiều năm liên tiếp, Đạm Cà Mau đã lọt vào danh sách 20 doanh nghiệp quản trị tốt nhất, doanh nghiệp vì người lao động; được công nhận là Hàng Việt Nam chất lượng cao và Thương hiệu quốc gia. 

*Vững tin vượt khó trong chặng đường mới

Cán bộ kỹ sư khối sản xuất luôn tối ưu hóa công nghệ trong vận hành và chủ động bảo dưỡng. Ảnh: Ngọc Duyên/BNEWS/TTXVN

Từ năm 2019, nhà máy Đạm Cà Mau phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như nguồn cung cấp khí (nguyên liệu cho sản xuất phân đạm) bị hạn chế, công suất vận chuyển của hệ thống đường ống PM3 hiện hữu không đáp ứng được nhu cầu, trữ lượng khí khai thác tại mỏ PM3 CAA ngày càng suy giảm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của nhà máy. 

Trong quá trình tìm hiểu và đánh giá tác động của việc đưa nhà máy xử lý khí Cà Mau đi vào hoạt động, đội ngũ kỹ sư Đạm Cà Mau nhận thấy Nhà máy Xử lý khí Cà Mau đã xả bỏ một lượng khí có tên gọi Permeate Gas với lưu lượng dao động từ 84.000 – 130.000Sm3/ngày.

Sau khi xác định được thông số kỹ thuật của dòng permeate gas, Đạm Cà Mau nhận thấy có thể sử dụng nguồn khí này để phối trộn với dòng khí tự nhiên để làm nhiên liệu đốt tại nồi hơi phụ trợ và lò tái sinh xúc tác sơ cấp. 

Việc triển khai dự án thành công Dự án, mỗi năm Công ty tiết giảm được khoảng 50 tỷ VND chi phí sản xuất theo đúng chủ trương tối ưu hóa, tiết kiệm năng lượng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Đối với công tác kinh doanh, với chính sách bán hàng linh động, Đạm Cà Mau đã chuẩn bị những bước đi chiến lược cho việc tiêu thụ khối lượng hơn 1 triệu tấn mỗi năm, trong đó các dòng NPK Cà Mau chuẩn bị ra mắt sẽ là điểm nhấn cho năng lực kinh doanh của công ty trong năm 2019.

Với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón nội địa, Đạm Cà Mau đã có hành trình 8 năm khá thành công, đáp ứng kỳ vọng quốc gia và giữ trọn vẹn niềm tin yêu của khách hàng, cộng đồng.

 Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh cho biết, với hàng loạt mục tiêu chiến lược ở phía trước, Đạm Cà Mau sẽ tiếp tục nỗ lực, kiên định thực hiện bằng đường hướng cụ thể để chuẩn bị cho những phát triển có tính bước ngoặt cũng như đưa thương hiệu Đạm Cà Mau lên một tầm cao mới, đóng góp bền vững cho câu chuyện nông nghiệp Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục