Đã tìm ra nguyên nhân ngao chết hàng loạt ở Thanh Hóa

19:17' - 08/04/2019
BNEWS Tại vùng nuôi ngao tập trung của huyện Hậu Lộc gồm các xã Đa Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc có hiện tượng ngao nuôi thuộc mọi kích cỡ gồm ngao giống, ngao thịt chết bất thường.

Chiều 8/4, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa Hoàng Thị Yến cho biết, mật độ nuôi quá dầy dẫn đến ngao cạnh tranh thức ăn và nơi trú ẩn, đồng thời điều kiện môi trường biến động đột ngột, nhiệt độ chênh lệch ngày, đêm cao (6-11 độ C) là nguyên nhân chính dẫn đến việc ngao chết tại vùng nuôi ngao huyện Hậu Lộc hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4/2019.

Ngao chết dồn thành đống. Ảnh: Duy Hưng-TTXVN

Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác như thời gian phơi bãi về đêm lúc nhiệt độ giảm thấp, mật độ động thực vật phù du thấp, môi trường nghèo dinh dưỡng, không đủ thức ăn cho ngao khiến ngao gầy, giảm sức đề kháng cũng là những nguyên nhân gây ngao chết.

Kết quả kiểm tra hiện trường tại vùng nuôi ngao xã Hải Lộc cho thấy, ngao chết gồm cả ngao giống và ngao thịt. Trên thực tế, bà con nuôi ngao với mật độ quá dày so với khuyến cáo.

Tại bãi ngao giống có chỗ được nuôi với mật độ 5.250 con/m2, tại bãi ngao thương phẩm mật độ nuôi là 1.250 - 2.500 con/m2, trong khi tiêu chuẩn kỹ thuật, mật độ thả giống phù hợp là 50 - 300 con/m2 (tùy thuộc vào cỡ ngao giống).

Bên cạnh đó, kết quả phân tích mẫu nước, mẫu ngao của Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc vừa gửi về cũng cho thấy, các chỉ tiêu nhiệt độ, PH, độ mặn, độ kiềm, N-NH4+, NH3, N-NO2-, P-PO43- và COD đều nằm trong giới hạn cho phép đối với môi trường nuôi thủy sản nước mặn lợ; không xuất hiện tảo độc hại trong các mẫu phân tích; virut gây bệnh Herpesvirus và Perkinsus đều âm tính, mật độ thực vật phù du làm thức ăn cho ngao thấp.

Qua đó, Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc kết luận, các yếu tố nhiệt độ, pH, độ mặn, độ kiềm, N-NH4+, NH3, N-N02-, P- PO43-, H2S, COD, tảo độc hại và Vibrio tổng số trong nước, vi rút Herpes và ký sinh trùng Perkinsus không phải là nguyên nhân gây chết ngao.

Để khắc phục và phát triển nghề nuôi ngao trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Thanh Hoá đề nghị các huyện có diện tích ngao nuôi gồm Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hoá, Quảng Xương, Tĩnh Gia cần quản lý vùng nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời tếp tục rà soát lại quy hoạch nuôi ngao của địa phương, kiên quyết chuyển đổi sang trồng rừng đối với những vùng nuôi không đủ điều kiện về yêu cầu kỹ thuật.

Ngao chết được thu gom để tránh ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Ảnh: Duy Hưng-TTXVN

Riêng huyện Hậu Lộc, địa phương bị thiệt hại nặng nề do ngao chết, cần tiếp tục hướng dẫn các hộ nuôi xử lý, thu gom xác ngao chết bằng cách chôn lấp cách xa khu vực nuôi, tránh gây ô nhiễm sang vùng nuôi khác.

Đối với diện tích ngao nuôi đạt kích cỡ thương phẩm cần có kế hoạch thu hoạch sớm; với ngao nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch còn sống ở những bãi nuôi có mật độ dày cần san thưa hoặc di chuyển ngao đến vùng nuôi có yếu tố môi trường ổn định.

Đồng thời khuyến cáo người nuôi tạm thời chưa thả ngao trong thời gian này khi môi trường vùng nuôi ngao vẫn còn biến động để tránh thiệt hại.

Trước đó, từ ngày 22/3 đến 2/4/2019, tại vùng nuôi ngao tập trung của huyện Hậu Lộc gồm các xã Đa Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc có hiện tượng ngao nuôi thuộc mọi kích cỡ gồm ngao giống, ngao thịt chết bất thường với diện tích ngao nuôi bị chết là 475 ha.

Đây không phải lần đầu tại vùng nuôi ngao huyện Hậu Lộc xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt. Cuối năm 2017, tại đây cũng đã xảy ra hiện tượng ngao chết trắng đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục