Đà giảm giá của đồng NDT chưa có dấu hiệu kết thúc

12:14' - 20/07/2018
BNEWS Đồng nhân dân tệ (NDT) Trung Quốc tiếp tục mất giá mạnh vào cuối buổi sáng 20/7 sau khi giới phân tích chỉ ra rằng việc đồng NDT yếu đi sẽ hỗ trợ Bắc Kinh trong tranh chấp thương mại với Washington.

Theo số liệu của Bloomberg, đồng NDT đã giảm 0,28% giá trị xuống còn 6,7943 NDT đổi 1 USD vào cuối phiên sáng ngày thứ Sáu. Đồng nội tệ này đang ở mức thấp nhất trong một năm sau một đợt “trượt dốc” mạnh mẽ trong những tuần gần đây do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.

Đà giảm giá của đồng NDT đã tiếp tục kéo dài sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC, tức ngân hàng trung ương) ngày 20/7 công bố tỷ giá trung tâm ở mức 6,7671 NDT đổi 1 USD, thấp hơn gần 1% so với ngày hôm trước.

Đây là mức điều chỉnh cao nhất trong vòng hai năm qua. Tính từ giữa tháng Tư đến nay, đồng NDT đã mất gần 10% giá trị so với đồng bạc xanh của Mỹ.

Ông Ken Cheung, chiến lược gia về ngoại hối tại thị trường châu Á của ngân hàng Mizuho tại Hong Kong (Trung Quốc), nhận định sự mất giá nhanh chóng và mạnh mẽ của đồng nội tệ có thể khiến dòng vốn chảy ra ngoài và làm suy yếu ổn định tài chính của quốc gia.

Vì vậy, theo chuyên gia này, Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm đưa ra những lời trấn an thị trường.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, ông Rajiv Biswas cho biết việc đồng NDT yếu đi lại hỗ trợ đáng kể cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc khi khả năng cạnh tranh của họ bị suy giảm do phải đối mặt với mức thuế cao hơn từ Mỹ.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC ngày 19/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không hài lòng về việc mỗi khi nền kinh tế đi lên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại muốn tăng lãi suất.

Tổng thống Trump bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng tiềm tàng của việc lãi suất tăng và đồng USD mạnh lên đối với nền kinh tế Mỹ và tính cạnh tranh của doanh nghiệp nước này.

Theo ông Trump, đồng NDT đang sụt giá nhanh như “một viên đá rơi” và đồng USD mạnh đặt nước Mỹ vào thế bất lợi so với Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, nơi vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục