Cuộc tranh tài của 6 dự án xuất sắc lọt vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2017

18:24' - 26/12/2017
BNEWS Ngày 26/12, tại Hà Nội, chung kết Cuộc thi khởi nghiệp quốc gia 2017 chính thức diễn ra sau gần một năm phát động với sự tranh tài của 6 dự án xuất sắc nhất.

Chương trình khởi nghiệp do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Toàn cảnh cuộc thi. Ảnh: Linh An/BNEWS/TTXVN

Sau khi cuộc thi kết thúc, ban tổ chức sẽ tổ chức Festival Khởi nghiệp để trao giải cho các dự án xuất sắc nhất cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2018; đồng thời tổ chức trao đầu tư cho các dự án cam kết sẽ triển khai thực tiễn tại Festival khởi nghiệp 2018 được tổ chức vào 12/1/2018.

Năm 2017 tiếp tục được gọi là năm Quốc gia Khởi nghiệp với nhiều chính sách mới về khởi nghiệp. Trong thời gian qua, các hoạt động trong chuỗi chương trình tổng thể về hỗ trợ khởi nghiệp tiếp tục thay đổi để phù hợp với nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp.

Cuộc thi khởi nghiệp Quốc gia 2017 tiếp tục có sự thay đổi trong việc tiếp nhận bài thi. Thay vì nhận bài dự thi trực tiếp, ban tổ chức đã mời khoảng 15 đơn vị thuộc mạng lưới khởi nghiệp tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp cấp cụm trường, khu vực với cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cấp trường năm trước; sàng lọc ra 159 dự án xuất sắc, đạt giải nhất, nhì, ba hoặc top 10 tham dự Cuộc thi khởi nghiệp quốc gia.

Qua 4 lượt chấm chéo chia làm 2 vòng, Cuộc thi khởi nghiệp 2017 đã chọn ra 6 dự án có số điểm cao nhất lọt vào vòng chung kết. 6 dự án cụ thể là: Dự án Công ty tổ chức sự kiện và cung ứng nhân sự từ nguồn nhân lực sinh viên, cán bộ Đoàn – Hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai của Đại học Lạc Hồng;  Dự án dịch vụ kết nối Homestay Belocals của Đại học Kinh tế - Luật TPHCM; Dự án Nuôi trồng nấm rơm trên phụ phẩm Nông nghiệp của Đại học Nông lâm TPHCM; Dự án Sản xuất và kinh doanh nấm ăn cao cấp Hoàng đế của Đại học Lâm Nghiệp; Dự án Thiết bị giao tiếp thông minh MultiGlass của Công ty CP VP9 Việt Nam và dự án Trang trại gà H`mông B&C của Học viện Nông Nghiệp Việt Nam.

Tại Chung kết cuộc thi lần này, những dự án được chọn tiếp tục được huấn luyện để tranh tài, lựa chọn ra các giải Nhất, Nhì, Ba.

Phát biểu khai mạc Chung kết cuộc thi, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cuộc thi Khởi nghiệp là nội dung quan trọng chất trong chuỗi hoạt động của Chương trình Khởi nghiệp do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức thường niên. Đây là một trong những hoạt động được đông đảo thanh niên – sinh viên háo hức đón nhận và tham gia nhiệt tình.

Năm 2017, vấn đề Khởi nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh tiếp tục được đề cập nhiều trong nhiều chương trình nghị sự của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thu hút sự quan tâm, vào cuộc của nhiều cơ quan, bộ, ban, ngành.

Ông Vinh cho hay, đề án 166 đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% các trường đại học, học viện có ít nhất 02 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh – sinh viên được hỗ trợ từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Vì vậy việc phát động và triển khai các hoạt động khởi nghiệp trong trường đại học hết sức quan trọng.

Cũng trong buổi chung kết, PGS.TS Lê Văn Luyện, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, hiện nay, khởi nghiệp đã và đang là làn sóng phát triển khắp đất nước, đặc biệt đối với thanh niên.

Tinh thần “Chính phủ kiến tạo, nhân dân khởi nghiệp” do Chính phủ phát động đã có sự lan toả tích cực từ các bộ ngành địa phương, đặc biệt là thu hút sinh viên các trường. Thông qua đó, làn sóng khởi nghiệp đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp được hình thành.

Đặc biệt năm nay, học viện ngân hàng được đăng cai là đơn vị tổ chức chương trình Chung kết khởi nghiệp quốc gia 2017. Đây là cơ hội để các bạn sinh viên hình thành các ý tưởng khởi nghiệp và hiện thực hoá các dự án khởi nghiệp. Ông Luyện nói thêm.

Ngay sau phần khai mạc, đúng 14 giờ 30 phút, cuộc tranh tài của 6 đội thi bắt đầu.

Thuyết trình đầu tiên là Dự án Thiết bị giao tiếp thông minh MultiGlass của Công ty Cổ phần VP9 Việt Nam. 

Bài thuyết trình của nhóm Dự án Dịch vụ Kết nối Homestay Belocals. Ảnh: Linh An/BNEWS/TTXVN

Thuyết trình thứ hai là Dự án Dịch vụ Kết nối Homestay Belocals của Trường Đại học Kinh tế Luật – TP HCM. Đây là dự án xây dựng và phát triển hệ thống homestay uy tín, chất lượng cùng các hoạt động trải nghiệm văn hóa đặc sắc tại địa phương. 

Tiếp sau là lần lượt các phần thuyết trình của Dự án Công ty tổ chức sự kiện và cung ứng nhân sự từ nguồn nhân lực sinh viên, cán bộ Đoàn - Hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai – của trường Đại học Lạc Hồng; Dự án Nuôi trồng Nấm rơm trên phụ phẩm Nông nghiệp - Đại học Nông lâm TP HCM; Dự án Trang trại Gà H'Mong B&C của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Và cuối cùng là dự án Sản xuất và kinh doanh nấm ăn cao cấp Hoàng Đế và Giá thể trồng rau sạch – Đại học Lâm nghiệp Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục